(HNMO) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân, người lao động, nhất là với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Cố gắng không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, phải lang thang, cơ nhỡ, các cơ quan, đơn vị chức năng thành phố Hà Nội và cộng đồng luôn quan tâm hỗ trợ họ bằng nhiều hình thức.
Cùng bước qua gian khó
Cùng nhau bước qua gian khó, các cơ quan chức năng và cộng đồng không chỉ hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, mà còn quan tâm đến nơi ăn, chốn ở của các trường hợp khó khăn trong thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.
Tại quận Hà Đông, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Đỗ Thị Minh Loan cho biết: “Ngay từ những ngày đầu tháng 8-2021, các lực lượng chức năng đã tiến hành rà soát các khu nhà trọ, công trình xây dựng, lập danh sách với tổng số hơn 13.000 người để có phương án hỗ trợ kịp thời. Với những trường hợp gặp khó khăn về nơi ở, chúng tôi đã vận động các hộ gia đình có phòng cho thuê giảm giá tiền thuê nhà cho người tạm trú; vận động các chủ công trình, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, kinh doanh bố trí nơi ở cho người ở xa...”.
Cố gắng không để người dân phải thiếu nơi ở, các phường trên địa bàn quận Tây Hồ đã vận động gần 1.000 chủ nhà trọ cùng chung tay với địa phương hỗ trợ trực tiếp cho người lao động gặp khó khăn bằng việc miễn, giảm tiền thuê phòng trọ với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Châm, chủ nhà trọ tại ngõ 123 đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) chia sẻ: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Chứng kiến những người lao động gặp khó khăn, thời gian gần đây, gia đình tôi đã giảm giá thuê phòng cho họ. Mức giảm tùy vào đối tượng và thời điểm bùng phát dịch”.
Tại huyện Hoài Đức, bước đầu, các cơ quan chức năng đã tiến hành hỗ trợ cho gần 10.000 lao động tự do ngoại tỉnh với số tiền mặt là gần 16 tỷ đồng cùng 20 tấn gạo, 2.000 thùng mì tôm, 2 tấn thịt, rau, củ quả... Đặc biệt, toàn huyện đã bố trí chỗ ở cho hơn 800 người không có nơi cư trú, giúp họ được an toàn trong đại dịch. “Huyện Hoài Đức đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Dù họ là ai, mà họ thực sự cần trợ giúp, các lực lượng chức năng đều cố gắng hỗ trợ kịp thời”, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hoài Đức Bùi Thị Hương nhấn mạnh.
Cùng với sự quan tâm của các cơ quan chức năng, dịp này, nhiều người dân trong cộng đồng cũng chia sẻ khó khăn về nơi ở với những người từ nơi xa đến. Có thể kể đến như anh Nguyễn Xuân Thông, chủ một cơ sở chuyên cho thuê căn hộ, văn phòng, đã bố trí những phòng ở "0 đồng" tại các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm cho những người không có nơi ở trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội...
Đối với người lang thang, các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, tập trung các trường hợp này. Sau đó, tùy từng đối tượng, họ sẽ được đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội.
Niềm vui từ nơi ở mới
Được bố trí nơi ở, người dân từ nơi xa đến Hà Nội bày tỏ niềm xúc động. Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội I Hà Nội (xã Dục Tú, huyện Đông Anh), bà Đỗ Thị Sở, 71 tuổi, đến từ huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) kể: “Cuộc sống ở quê nhà gặp khó khăn, nên tôi lên Hà Nội kiếm sống, nhưng cũng vất vả lắm. Từ ngày đến nơi ở mới (ngày 19-8 đến nay), tôi được ăn đủ mỗi ngày 3 bữa, có giường ngủ, còn được chăm sóc sức khỏe nữa”.
Ngoài trường hợp nêu trên, Phó Trưởng phòng Tiếp nhận, quản lý, giáo dục và dạy nghề (Trung tâm Bảo trợ xã hội I Hà Nội) Phùng Thị Hương cho hay, từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội (ngày 24-7 đến nay), Trung tâm đã tiếp nhận 39 người lang thang. Hiện tại, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời 69 trường hợp. Tất cả đều được chăm sóc chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe thể chất, tinh thần, cho đến việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Còn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì), đơn vị này vừa nuôi dưỡng lâu dài hơn 300 người già, trẻ em lang thang không nơi nương tựa, vừa tiếp nhận mới 17 trường hợp trong thời gian giãn cách xã hội. “Khi vào Trung tâm, họ được hưởng đầy đủ chế độ bảo trợ xã hội theo quy định. Nhờ đó, sức khỏe của các đối tượng chuyển biến tích cực”, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội Nguyễn Văn Bằng thông tin.
Đối với các trường hợp là người tâm thần lang thang, họ được đưa về chăm sóc, điều trị tại các bệnh viện tâm thần, trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần. Tại Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội (xã Thụy An, huyện Ba Vì), Phó Giám đốc phụ trách Nguyễn Đức Phong cho hay: “Chúng tôi vừa tiếp nhận 13 trường hợp vào đơn vị. Dù khó khăn, chúng tôi vẫn luôn cố gắng chăm sóc cho các đối tượng bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm”.
Những người được bố trí nơi tạm trú ngoài cộng đồng, họ đến nơi ở mới với niềm vui xen lẫn sự xúc động, biết ơn. Anh Hoàng Văn Tuyên, đến từ thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái), hiện được bố trí ở tại Trường Mầm non xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) chia sẻ: “Nhóm chúng tôi gồm 12 người, làm công nhân xây dựng, bị “mắc kẹt” lại Hà Nội. Khi không còn tiền để chi tiêu, không có nơi để ở, chúng tôi đã được các cơ quan chức năng huyện Hoài Đức hỗ trợ ăn, ở miễn phí. Tình cảm này, chúng tôi sẽ nhớ mãi”.
Trao đổi về công tác trợ giúp các trường hợp khó khăn, lang thang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Dương Tuyết Nhung cho hay, Hà Nội là địa bàn tập trung đông dân cư, trong đó hàng triệu người từ nơi khác đến, nên đâu đó vẫn còn người lang thang. Tuy nhiên, nếu có, thì họ cũng đã được hỗ trợ bằng cách này hay cách khác, hoặc đó chỉ là cá biệt. Trên thực tế, hiện nay, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội và cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ các trường hợp khó khăn, nhất là với người yếu thế bằng nhiều hình thức, giải pháp, cố gắng không để ai phải lang thang, cơ nhỡ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.