Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Nguyễn Thanh| 25/11/2020 06:17

(HNM) - Hôm nay, 25-11, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến về “Nâng cao hiệu quả hoạt động đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Đây là hoạt động nhằm nhìn lại những kết quả đạt được trong công tác phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020, từ đó đề xuất những sáng kiến, giải pháp triển khai hiệu quả công tác này trong giai đoạn mới.

Quận Nam Từ Liêm chú trọng phát triển văn hóa, thể thao, làm giàu đời sống tinh thần cho người dân địa phương.

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo

Trong thời gian qua, Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020” (Chương trình số 04-CTr/TU) được tổ chức triển khai đồng bộ, với nhiều cách làm bài bản, sáng tạo. Theo đó, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư; công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm...

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Ngô Văn Nam cho biết, Hà Nội được đánh giá là địa phương thành công trong việc lồng ghép phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, đưa các mô hình gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa đi vào thực chất.

“Đặc biệt, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng đang ngày càng lan tỏa sâu rộng, với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, như: Mô hình chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung; mô hình thôn, tổ dân phố không có tệ nạn xã hội, môi trường sạch, đẹp; mô hình tổ dân phố “5 không”…, góp phần hình thành những chuẩn mực trong ứng xử, đẩy lùi lời nói, hành vi phản cảm trong đời sống”, ông Ngô Văn Nam cho biết thêm.

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình số 04-CTr/TU vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Việc xây dựng, phát triển các mô hình câu lạc bộ văn hóa, thể thao chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhiều thiết chế văn hóa chưa được sử dụng hiệu quả, gây lãng phí. Kết quả triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các địa phương chưa đồng đều, chuyển biến chưa rõ nét.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang thông tin, nhiều thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện mong muốn khai thác nhà văn hóa để có nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động, song chưa biết tổ chức thế nào cho hợp lý, vì thiếu hướng dẫn.

Còn theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình - chuyên gia xã hội học, thời gian qua, những hành vi, như: Tiểu bậy trong thang máy, ăn mặc hở hang nơi công cộng…, dù chỉ là việc làm của một vài đối tượng cá biệt, song cũng cho thấy công cuộc đẩy mạnh xây dựng văn hóa ứng xử cần được thực hiện thường xuyên, bền bỉ hơn.

Chung sức xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định một trong những định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm là: “Chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố Sáng tạo, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội sâu sắc”. Các mục tiêu này được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII cụ thể hóa tại Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Thủ đô trong giai đoạn mới, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến về “Nâng cao hiệu quả hoạt động đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lê Hoàng Anh cho biết, với sự góp mặt của nhiều chuyên gia văn hóa, nhà quản lý cũng như những tấm gương điển hình trong triển khai, thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tọa đàm là dịp nhìn lại những tác động của Chương trình số 04-CTr/TU tới đời sống văn hóa cơ sở, tổng hợp những sáng kiến hay, mô hình tiêu biểu, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp, góp phần tiếp tục “làm giàu” đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền, buổi tọa đàm nhằm đánh giá những kết quả đạt được cùng những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thời gian qua, “góp tiếng nói” đề xuất, hiến kế tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Nội trở thành địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, xứng tầm với vị thế Thủ đô của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.