(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định (NĐ) số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực từ ngày 1-9-2013.
NĐ 72 có 6 chương, với 46 điều sẽ góp phần giải quyết những "lỗ hổng" đang chờ quy định như hiện nay. Đó là, lâu nay dư luận trong nước đã phản ánh việc các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như mạng xã hội Facebook, công cụ tìm kiếm Google (đều của Mỹ) có lượng người sử dụng rất lớn và chiếm thị phần lớn về quảng cáo lại không bị pháp luật quản lý cũng như không có đóng góp về thuế tại Việt Nam, gây ra sự không công bằng cho hoạt động của các DN nội… Những phản ánh của dư luận xã hội cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tiếp thu và đề cập trong tờ trình Dự thảo NĐ 72 (ngày 6-4-2012) trình Chính phủ trong đó nêu việc các DN ngoại này cần phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Thực tế, tại NĐ 72 lần đầu tiên có quy định "quản" DN xuyên biên giới - điểm mới so với NĐ 97 cũ. Cụ thể, tại Điều 22, chương III về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng, NĐ đã quy định "các tổ chức, cá nhân, DN khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng hoặc truy cập từ Việt Nam sẽ phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ TT-TT sẽ có quy định cụ thể về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới". Như vậy, với quy định này, DN cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có lượt truy cập từ Việt Nam như Facebook, Google... sẽ phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Nghị định mới về quản lý internet sẽ góp phần giải quyết một số vấn đề đang tồn tại. Ảnh: Thái Hiền |
Tuy nhiên, nếu so sánh với dự thảo cũ trình Chính phủ thì NĐ 72 được coi là "thoáng" hơn khi không yêu cầu DN nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới phải thành lập văn phòng hoặc chỉ định tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam… Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, như vậy là chưa công bằng với các DN nội, song phần nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng nếu đưa ra các quy định quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến những cam kết trong một số hiệp định mà Việt Nam tham gia khi hội nhập và khiến DN ngoại có thể đóng cửa dịch vụ tại Việt Nam, ảnh hưởng đến người sử dụng trong nước.
Bên cạnh đó, trong chương IV NĐ 72 vừa ban hành, việc quản lý trò chơi điện tử trên mạng (game online) cũng được điều chỉnh, tạo điều kiện cho DN hoạt động sau 3 năm cơ quan quản lý nhà nước tạm dừng cấp phép. Cụ thể, NĐ phân loại game online thành 4 loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ. Trong đó, loại 1 là trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ của DN; loại 2 chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ; loại 3 có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không tương tác với máy chủ; loại 4 là trò chơi được tải về qua mạng và người chơi không có sự tương tác với nhau lẫn với máy chủ. Việc phân loại này sẽ là cơ sở cho cơ quan chức năng cấp phép phát hành game cho các DN, trong đó các game loại 1 cần có giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản do Bộ TT-TT cấp; game loại 2, loại 3, loại 4 cần có giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ và thông báo cung cấp dịch vụ với từng trò chơi điện tử.
Điểm đáng chú ý, NĐ mới quy định rõ các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho người sử dụng Việt Nam phải thành lập DN theo quy định của pháp luật Việt Nam. Như vậy, đây được coi là tin vui với các DN kinh doanh game trong nước vốn vẫn bị coi là chịu thiệt hại khi nhiều DN nước ngoài móc nối với các cá nhân nhỏ lẻ để phát hành game lậu thu hút người chơi mà không phải chịu nghĩa vụ với Nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.