Tính đến tháng 1-2023, Việt Nam đã có 77,93 triệu người dùng internet, tương đương 79,1% dân số. Kinh tế số Việt Nam đang trên đà phát triển và sẽ đạt 45 tỷ USD vào năm 2025.
Hội thảo - triển lãm Ngày Internet (Internet Day) 2023 với chủ đề: “Không gian mới, cơ hội mới cho internet Việt Nam” diễn ra sáng 22-11, tại Hà Nội. Sự kiện được tổ chức hàng năm nhằm thúc đẩy sự phát triển internet Việt Nam, đồng thời, định hình và chia sẻ các cơ hội của nền kinh tế internet.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên, số người sử dụng internet toàn cầu trong năm 2023 đã tăng 100 triệu, chạm mốc 5,4 tỷ người, tương đương 67% dân số thế giới. Còn tại Việt Nam, tính đến tháng 1-2023, đã có 77,93 triệu người dùng internet, tương đương 79,1% dân số. Đánh giá từ các hãng nghiên cứu cho thấy, kinh tế số Việt Nam đang trên đà phát triển và sẽ đạt 45 tỷ USD vào năm 2025.
Các tổ chức quốc tế đang có những đánh giá khả quan đối với sự phát triển của kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng tại Việt Nam. Bất chấp xu hướng cắt giảm nhân sự do suy thoái kinh tế, nhiều gã khổng lồ công nghệ trên thế giới vẫn ồ ạt rót vốn vào Việt Nam. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam mở ra không gian tăng trưởng mới.
Phát biểu tại Ngày Internet 2023, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhận định, Việt Nam muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì bắt buộc phải chuyển đổi số. Chuyển đổi số, bất kể hình thức nào, đều được xây dựng trên internet và do đó, internet luôn cần mở rộng hơn để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Đề cập tới những cơ hội của Việt Nam trong phát triển kinh tế số, Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng cho rằng, hạ tầng internet nói chung của Việt Nam còn hạn chế so với quy mô người dùng và dân số. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã mở không gian bằng chính sách, tạo ra sự phát triển. Bộ đã sớm xây dựng các hành lang pháp lý, ban hành các chính sách, chương trình tạo động lực cho đổi mới và phát triển. Trong đó, phải kể đến việc sửa đổi Luật Viễn thông (hiện đang chuẩn bị trình Quốc hội thông qua) sẽ giúp hoàn thiện các quy định nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông. Bộ cũng đã trình Chính phủ Quy hoạch hạ tầng thông tin truyền thông đặt ra tầm nhìn, định hướng và mục tiêu phát triển cụ thể cho viễn thông và internet đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Trong phiên hội thảo buổi sáng, đại diện các tập đoàn lớn, doanh nghiệp về viễn thông, công nghệ số VNPT, Viettel, VinBig Data, Space X… đã chia sẻ về cơ hội phát triển các công nghệ, ứng dụng mới với sự sáng tạo, sự hợp tác giữa nhiều bên sẽ mang lại những lợi ích, giá trị cho người dùng và nền kinh tế. Đáng chú ý phải kể đến các tham luận: “Trợ lý AI Make in Việt Nam chuyên biệt và ưu việt” của VNPT AI; “Chiến lược phát triển bền vững cho doanh nghiệp của Viettel IDC; “Ứng dụng AI tạo sinh trong doanh nghiệp (VinBig Data); “Điện toán đám mây của Huawei Việt Nam”…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.