(HNM) - Là loại hình đào tạo đặc thù, yêu cầu năng khiếu ở đầu vào, nên công tác tuyển sinh của các trường nghệ thuật gặp không ít khó khăn. Do đó, hầu hết các trường đều áp dụng nhiều cách thức, biện pháp mới nhằm “đãi cát tìm vàng” cho nghệ thuật nước nhà.
Học sinh các trường nghệ thuật thường được đào tạo và biểu diễn song song. |
Nỗi lo mùa tuyển sinh
Tình trạng thưa vắng thí sinh dự thi và ít tài năng đủ điều kiện tuyển vào các ngành nghệ thuật diễn ra đã nhiều năm nay, đặc biệt ở các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật do Bộ VH-TT&DL quản lý và các trường đào tạo năng khiếu nghệ thuật tại các địa phương. Trường Cao đẳng Múa Việt Nam chưa năm nào tuyển đủ chỉ tiêu bộ môn kịch múa, ballet, huấn luyện, biên đạo. Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cũng thường chỉ dễ tuyển sinh các ngành thanh nhạc, mỹ thuật, còn bộ môn biểu diễn nhạc cụ đàn tỳ bà, sáo, đàn bầu… khá thưa vắng.
Mùa tuyển sinh năm học 2017-2018, Khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội chỉ tuyển được đủ chỉ tiêu môn diễn viên cải lương, các môn diễn viên chèo, múa rối phải đào tạo thấp hơn chỉ tiêu để bảo đảm chất lượng đầu vào. Môn nhạc công kịch hát truyền thống còn không mở được lớp vì chỉ 2 em đăng ký. Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam mỗi năm tuyển 35 chỉ tiêu, nhưng cũng khó tìm được tài năng trong số hàng nghìn hồ sơ dự tuyển.
Nguyên nhân tình trạng này theo NSND Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, đào tạo nghệ thuật có đặc thù là thời gian dài, từ khi các em còn nhỏ, quá trình rèn luyện gian khổ nên nhiều gia đình chưa mạnh dạn cho con em theo học. Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội Trần Vũ Hoàng nêu thực trạng: “Nhiều học sinh và gia đình xem các ngành nghệ thuật là một kỹ năng chứ chưa phải là nghề nghiệp. Học sinh, sinh viên hiện nay cũng ít có thời gian tiếp cận với nghệ thuật truyền thống nên chưa hiểu, chưa yêu, chưa say nên không chọn thử sức”.
Chính vì thế, mỗi mùa tuyển sinh đến là các trường nghệ thuật không tránh khỏi âu lo. Năm nay, quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đã có những thay đổi, ưu tiên hơn việc tuyển sinh vào các trường nghệ thuật. Theo đó, thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc, mỹ thuật được Bộ VH-TT&DL công nhận thì được xét tuyển thẳng vào học các ngành học tương ứng trình độ đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm theo quy định của từng trường.
Thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp trung học hoặc tốt nghiệp trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc về ca, múa, nhạc, mỹ thuật, đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia, không có bài thi hoặc môn thi có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống, được ưu tiên xét tuyển... Điều này tạo hy vọng cho các trường nghệ thuật có được những tài năng thực sự để đào tạo.
Tăng tính chủ động
Tuy nhiên, thay vì chờ đợi các tài năng đến dự tuyển, hầu hết các trường đào tạo nghệ thuật đều lập đề án tuyển sinh từ rất sớm, đồng thời có những biện pháp để thu hút học sinh thử sức.
Đơn cử, Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam đã tiến hành tuyển sinh khóa 39 từ trong năm học. Theo Tiến sĩ Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng nhà trường, nhiều năm trở lại đây ở thành phố rất khó tuyển học sinh. Vì thế, nhà trường đã trực tiếp đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa để vận động học sinh và tìm kiếm tài năng. Trong các chuyến đi, thành viên Hội đồng tuyển sinh phổ biến về chế độ học bổng theo quy định hiện hành dành cho học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù, ngoài ra học sinh còn được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, hỗ trợ tiền ăn và chỗ ở tại ký túc xá.
Mùa tuyển sinh năm nay, nhà trường tiến hành từ tháng 3, đã đến 176 trường tiểu học, THCS, THPT và kết thúc sơ tuyển trước tháng 5 nhằm tránh kỳ thi chuyển cấp và THPT quốc gia. Có hơn 6.000 hồ sơ đăng ký và nhà trường đã chọn được 543 em vào vòng chung tuyển và phúc tuyển.
Tương tự, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam vừa tổ chức tuyển trực tiếp tại trường, vừa tiến hành sơ tuyển và chung tuyển hệ trung cấp và cao đẳng tại các địa phương như Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình…
Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và kỳ thi THPT quốc gia, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã cử nhiều nhóm đến phát tờ rơi về nội dung tuyển sinh của nhà trường tại các điểm thi trên địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho học sinh, sinh viên tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn… để quảng bá hoạt động của nhà trường, đồng thời, giới thiệu các chương trình đào tạo trên trang mạng xã hội để học sinh dễ tiếp cận.
Cùng với đó, các trường nghệ thuật cũng chú ý hơn đến “đầu ra” cho học sinh, sinh viên. Tiến sĩ Hoàng Minh Khánh cho biết, những năm gần đây, 100% học sinh tốt nghiệp Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam được tuyển về các đơn vị nghệ thuật xiếc công lập. Bên cạnh đó, hầu hết các trường có chương trình hợp tác đào tạo quốc tế với chỉ tiêu cụ thể hằng năm, vì vậy, học sinh, sinh viên có nhiều cơ hội nhận học bổng tu nghiệp tại các quốc gia phát triển.
Với nỗ lực thu hút và nâng cao chất lượng đào tạo, các trường nghệ thuật hy vọng trở thành điểm đến chắp cánh nghề nghiệp cho học sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.