(HNM) - Dù ngày càng nhiều trẻ em được tham gia học bơi, biết bơi, nhưng tình trạng đuối nước tập thể xảy ra đối với trẻ đã biết bơi vẫn là một thực tế nhức nhối. Rõ ràng, học bơi không đơn thuần là học kỹ thuật bơi, mà các em phải nắm được kỹ năng an toàn trong môi trường nước, cũng như kỹ năng cứu đuối an toàn.
Hướng dẫn động tác bơi đúng kỹ thuật cho trẻ. |
Biết bơi thôi, chưa đủ
Một ngày trung tuần tháng 5-2019, tại bể bơi Tùng Lâm, thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm, Hà Nội), đông đảo giáo viên thể dục, các bậc phụ huynh và học sinh đã cùng tham gia giờ học cứu đuối đầy bổ ích. Ở mỗi làn bơi đều có hướng dẫn viên trực tiếp thực hành kỹ năng cứu đuối, truyền tải thông tin trực quan sinh động, có diễn giải từng tình huống cụ thể giúp phụ huynh, học sinh dễ dàng nắm được thông tin về kỹ năng an toàn trong môi trường nước, phương pháp tiếp cận khi phát hiện có người bị đuối nước, cách cứu hộ và thực hành sơ cứu ban đầu...
Em Chu Hương Giang, học sinh lớp 8E, Trường Trung học cơ sở thị trấn Trâu Quỳ, cho biết: "Đây là buổi học bổ ích, giúp chúng em hiểu rõ hơn về các nguy cơ và phòng tránh được tai nạn đuối nước. Bản thân em đã học bơi từ năm lớp 6. Nhưng em nghĩ biết bơi thôi chưa đủ, mà phải có kỹ năng nhìn nhận được nguy cơ, biết cách chủ động xử trí khi gặp những tình huống nguy hiểm".
Huấn luyện viên Dương Đức Quang, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Gia Lâm chia sẻ: "Ngày càng có nhiều bậc cha mẹ và học sinh ý thức được tầm quan trọng của việc biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Huyện Gia Lâm có rất nhiều sông, hồ nên bố mẹ chỉ sơ ý không giám sát là trẻ dễ phải đối diện với nguy cơ tai nạn đuối nước".
Mỗi khóa bơi ở huyện Gia Lâm trung bình chỉ từ 12 đến 15 buổi, nhưng theo huấn luyện viên Dương Đức Quang, vấn đề nâng cao nhận thức, rèn kỹ năng xử trí an toàn trong môi trường nước luôn được các huấn luyện viên đặt lên hàng đầu.
"Tôi vẫn dạy các em rằng, đừng tưởng biết bơi rồi là thoát đuối nước. Nếu thiếu hiểu biết, không biết vận dụng các giải pháp phù hợp mà lao xuống cứu bạn đuối nước là rất dễ gặp nguy hiểm. Đơn cử như vụ 8 em học sinh bị đuối nước ở Hòa Bình hồi tháng 3-2019, hầu hết đều biết bơi và bơi giỏi nhưng thiếu kỹ năng xử trí khi gặp tình huống đuối nước nên đã gặp nạn. Vì vậy, các em cần được phổ biến kiến thức, cần được quan sát các bài tập thị phạm, cần chủ động nghiên cứu tài liệu tập huấn về bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước", huấn luyện viên Dương Đức Quang nói.
Làm nghiêm túc, có trách nhiệm
Phát biểu tại lễ phát động toàn dân tập luyện bơi, phòng, chống đuối nước năm 2019 được tổ chức trung tuần tháng 5-2019 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đề nghị tất cả các cấp, các ngành nghiêm túc chấp hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: "Điều quan trọng là chúng ta phải cùng nhau làm thật sự, làm nghiêm túc và làm trách nhiệm trước tính mạng của nhân dân và của trẻ em. Muốn tránh được, giảm được tình trạng chết do đuối nước, trước hết phải biết bơi. Nhưng biết bơi thôi chưa đủ, phải biết được kỹ năng phòng, chống, ứng phó trong hoàn cảnh bị đuối nước, và biết cách cứu người khác bị đuối nước như thế nào".
Hướng dẫn thực hành một tình huống cứu đuối nước. Ảnh: Minh Thu |
Không phải ngẫu nhiên yêu cầu "phải cùng nhau làm thật sự, làm nghiêm túc và làm trách nhiệm" được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, bởi dù có rất nhiều biện pháp triển khai trong những năm qua, nhưng số người tử vong do đuối nước vẫn rất lớn. Hằng năm, vẫn còn gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.
Vì vậy, năm 2019, Tổng cục Thể dục thể thao - một trong các đơn vị thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em đã đưa ra giải pháp đột phá là: Đổi mới nội dung dạy trẻ em học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, hướng dẫn tiêu chí kiểm tra, đánh giá trẻ em biết bơi và kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục thể thao Nguyễn Thị Chiên, thay vì chỉ chú trọng dạy bơi như trước, các lớp phổ cập bơi sẽ dạy cả kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Để các em nhỏ được an toàn trong môi trường nước, giáo viên dạy bơi cần dạy trẻ không đi bơi, tắm ở nơi nước chảy mạnh, chảy xiết, những nơi có biển báo nguy hiểm. Khi ra biển, trẻ em nên bơi gần bờ, tránh xa các dòng nước xoáy, dòng nước cuốn.
Giáo viên cũng lưu ý bố trí một số buổi cho trẻ em mặc trang phục hằng ngày để học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, làm quen các tình huống đuối nước. Bên cạnh đó, các em cần thực hiện đúng các bước khi đi tắm biển, đi bơi, bao gồm khởi động kỹ trước khi bơi, học cách sử dụng áo phao, các dụng cụ làm nổi, không ăn uống khi đang bơi để tránh bị sặc nước.
Về kỹ năng tự cứu, cũng như kỹ năng cứu đuối an toàn, các em luôn phải tuân thủ nguyên tắc: Trẻ em dù bơi giỏi cũng không được trực tiếp nhảy xuống nước cứu người đuối nước, mà chỉ cứu người đuối nước bằng cách gián tiếp, thông báo mọi người xung quanh được biết, ném các vật nổi cho nạn nhân, sử dụng các dụng cụ cứu hộ như phao cứu sinh, gậy, dây... để hỗ trợ. Các em cũng cần học cách hô hấp nhân tạo trong trường hợp nạn nhân bất tỉnh, sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.