(HNM) - Đây là lần thứ 5 chúng ta sửa đổi Hiến pháp. Nhìn chung, toàn văn Dự thảo lần này đã kế thừa những nội dung đúng đắn, hợp lý của các bản Hiến pháp trước đây; sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới; đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh và văn kiện Đại hội Đảng khóa XI, các Nghị quyết Trung ương 2, Nghị quyết Trung ương 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhằm phù hợp với đường lối lãnh đạo của Đảng và thực tiễn đổi mới, phát triển đất nước ta trong giai đoạn cách mạng mới.
Đại biểu quận Tây Hồ phát biểu góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do HĐND quận tổ chức ngày 27-2-2013. Ảnh: Ngọc Hà |
Trước hết, Dự thảo lần này thể hiện bước tiến mới trong phát huy dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của công dân trong mọi mặt đời sống xã hội. Tại Điều 1, Dự thảo khẳng định: “Nước CHXHCN Việt Nam là một nước dân chủ…”; Điều 3 quy định: “Nhà nước đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân…”; Điều 6 ghi nhận: “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Như vậy, sự khẳng định hai hình thức dân chủ: dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện đã rõ ràng hơn. Nhân dân trực tiếp tham gia quản lý nhà nước và xã hội, đồng thời nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ thông qua Quốc hội, HĐND, mà còn thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.
Về Chương I (Chế độ Chính trị), Dự thảo giữ nguyên Điều 4 và bổ sung thêm khoản 2, khoản 3 tại điều này, theo chúng tôi là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn, khẳng định và hoàn thiện về vị trí, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc và của toàn dân tộc.
Dự thảo đã bổ sung vào Điều 4 nguyên tắc: Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; bổ sung vào Điều 6 một ý: Nhân dân thực hiện quyền lực bằng các hình thức dân chủ trực tiếp; Điều 8 có bổ sung nội dung mới: Quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.
Chương quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” được đưa lên vị trí thứ 2, ngay sau chương về “Chế độ Chính trị” thể hiện Ban soạn thảo Hiến pháp đã có nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của con người, của nhân dân trong việc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân; phù hợp với quan điểm xuyên suốt của Đảng là “Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”.
Khái niệm“quyền con người” lần đầu tiên được đưa vào Hiến pháp và được ghi rõ trong tiêu đề của Chương II là một sự tiến bộ, phù hợp với thời đại, với xu thế hội nhập quốc tế, thể hiện tính văn minh, tiên tiến của Nhà nước pháp quyền XHCN của chúng ta…
Tuy nhiên, chúng tôi thấy cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:
- Về Điều 4 trong Dự thảo: Lịch sử đất nước ta đã chứng minh và khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất có đường lối đúng đắn, là Đảng cầm quyền, dẫn dắt cách mạng và nhân dân ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đồng thời, nhân dân ta tín nhiệm Đảng, tin tưởng vào sự sáng suốt của Đảng, nguyện theo Đảng để bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Lợi ích của Đảng chính là lợi ích thiêng liêng của Tổ quốc và toàn dân tộc. Vì vậy, nội dung trong Điều 4 cần thể hiện rõ vai trò tất yếu, mục đích tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khoản 1 Điều 4 trong Dự thảo có nêu: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Dự thảo vẫn dùng từ “đội tiên phong”, từ “đồng thời” và hai lần nhắc tới cụm từ “giai cấp công nhân, nhân dân lao động” và “dân tộc”… Không khác mấy so với Hiến pháp năm 1992 đã ghi.
Theo từ điển ngôn ngữ, “đội” chỉ là một tổ chức nhỏ bé, gồm một số người; và sự lặp lại một số từ trong khoản 1 Điều 4 như đã nêu, làm giảm tính súc tích, giảm tính mạnh mẽ trong diễn đạt, mang tính chất văn phong của Cương lĩnh hơn là điều khoản trong một đạo luật cơ bản của quốc gia. Đề nghị nên bỏ chữ “đồng thời” và cụm từ “đại biểu trung thành” ở khoản 1 Điều này.
Xin đề xuất sửa khoản 1, khoản 2 Điều 4 như sau:
“1. Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, tồn tại và hoạt động vì lợi ích của nhân dân và Tổ quốc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những chủ trương, quyết định của mình”. (Vì trong thực tế, một số chủ trương của Đảng mang tính chất chỉ đạo, định hướng quan trọng, tuy không phải là những quyết định).
- Về Điều 9 và Điều 10: Dự thảo đề cập đến vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam, được kết cấu trong 3 khoản của Điều 9. Cần bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của MTTQ là: “MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” tương tự như đối với chế định Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của Dự thảo.
Chúng ta đều biết, MTTQ Việt Nam là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội khác và đông đảo các cá nhân yêu nước tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Nội dung Điều 10 đề cập đến Công đoàn Việt Nam (mà Công đoàn là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, đã được nêu tại Điều 9). Vì vậy, theo chúng tôi, nếu cần hiến định tổ chức Công đoàn, thì nên chăng cũng nên hiến định cả tổ chức Phụ nữ và Đoàn Thanh niên cộng sản và một số tổ chức chính trị khác trong Hiến pháp. Cần cân nhắc về việc đưa vào Dự thảo Hiến pháp một Điều về vai trò, vị trí của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lực lượng trẻ đông đảo trong xã hội, đội quân hùng hậu dự bị cho Đảng và tương lai của đất nước...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.