(HNM) - Hát dô Liệp Tuyết, múa rối Sài Sơn, hát tuồng Dương Cốc và hát chèo ở Đại Thành là 4 loại hình nghệ thuật đặc sắc, vang danh vùng Phủ Quốc xưa - huyện Quốc Oai ngày nay.
Hát chèo cũng phải đi kịp thời đại
Ông Hoàng Văn Sản, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chiếu chèo nhạc lễ Đại Thành đã nhiều năm say đắm trong những làn điệu chèo và coi đó như một cái “nghiệp”. Nhắc tới chiếu chèo của làng, mắt ông Sản ánh lên niềm vui: "Hát chèo đã đi vào đời sống, vào “miếng ăn giấc ngủ” của người dân. Đã có thời điểm, trên mảnh đất này, từ người già đến trẻ nhỏ đều biết hát chèo, nhất là các làn điệu chèo truyền thống. Những câu hát chèo thiết tha cứ thế theo người dân đi cấy, đi gặt, làm đồng, làm bãi...".
Một tiết mục chèo do các thành viên Câu lạc bộ Chiếu chèo nhạc lễ xã Đại Thành biểu diễn mừng Xuân Mậu Tuất 2018. |
Thế nhưng, do biến thiên của lịch sử, môn nghệ thuật này dần mai một. Người hát chèo ngày một ít đi và những sân khấu chèo ngày một vắng bóng. Ông Hoàng Văn Sản trầm ngâm: “Chúng tôi xác định, nếu không thay đổi thì bộ môn nghệ thuật chèo của làng sẽ không có chỗ đứng”.
Từ suy nghĩ đó, những người nông dân “quê nhãn” Đại Thành đã làm mới chèo để thu hút khán giả. Việc đầu tiên khi khôi phục chiếu chèo làng là phải lôi kéo được những người hát hay, yêu chèo vào câu lạc bộ. Những người biết nhiều dạy cho người biết ít. Đặc biệt, Câu lạc bộ còn mời những nghệ sĩ, giáo viên chèo ở các trường nghệ thuật về giúp đỡ, như nghệ sĩ chèo nổi tiếng Thanh Ngoan, Thúy Ngần…
“Trên cơ sở các làn điệu chèo cổ, chúng tôi đã biên đạo, làm mới chèo để hấp dẫn, thu hút người dân quay lại với chèo. Hát chèo cũng phải đi kịp thời đại. Không dừng lại ở đàn, ca, sáo, nhị, Câu lạc bộ còn trang bị phòng thu để đạt hiệu quả cao nhất. Các vở chèo mới có đề tài gắn liền với những chuyện thời sự đang diễn ra nóng bỏng ở địa phương như: Xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa, xây dựng làng văn hóa.
Nhớ như in vở chèo đầu tiên: "Chuyện nhà ông Nghiêm" đã gây được tiếng vang lớn ở địa phương, ông Sản tâm sự, đó là kịch bản của một nhà giáo về hưu viết về chuyện xây dựng nông thôn mới. Tâm đắc với kịch bản, ông Sản đã chuyển thể từ kịch nói sang chèo. Với những làn điệu của chèo, vở diễn đã đạt được thành công ngoài mong đợi. Đây là câu chuyện cảm động về ông Nghiêm, người đã sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, trong đó có sự phản đối của các con, để hiến mảnh đất cho chính quyền địa phương mở rộng trường mầm non. Biết bao dự định, toan tính thiệt hơn của các con đã được ông tháo gỡ thấu tình đạt lý.
Từ ngày “sống lại” môn nghệ thuật chèo, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân xã Đại Thành có thêm "món ngon". Bà Nguyễn Thị Mận - vợ ông Sản cười tươi: “Ở nông thôn, sân chơi cho người già và trẻ nhỏ không nhiều nên câu lạc bộ chèo là nơi để những người lớn tuổi tìm được thú vui bổ ích. Còn con trẻ cũng bị cuốn hút vào các giai điệu truyền thống, âu cũng là cách để các cháu giữ gìn nét văn hóa truyền thống quê hương”.
Hiện nay, Câu lạc bộ Chiếu chèo nhạc lễ Đại Thành có gần 30 thành viên, có người đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng cũng có những cháu nhỏ còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Hát chèo trở thành cầu nối yêu thương, đùm bọc và gắn kết tình người ở Đại Thành. Ông Đinh Văn Thích, cán bộ văn hóa xã Đại Thành cho biết: Câu lạc bộ có nhiều vở diễn phục vụ bà con giúp cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể và đây cũng là “kênh” tuyên truyền nhanh chóng, hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào đời sống.
Giữ chèo cho hôm nay và mai sau
Những thành viên trong Câu lạc bộ Chiếu chèo nhạc lễ Đại Thành phần lớn là nông dân nên khi chúng tôi băn khoăn mọi người sẽ tập chèo vào lúc nào, ông Sản giải thích: "Để có thời gian, bà con lên lịch tập vào buổi tối. Vì bà con nhiều việc, nên chúng tôi chia vai, có vai tập trước, có vai tập sau rồi khớp nối với nhau. Nơi tập chính là khoảng không gian nhỏ ở sân nhà ông Sản và sân nhà văn hóa".
Khi hỏi về kinh phí để “nuôi” câu lạc bộ, ánh mắt ông Sản chùng xuống: “Đến diễn viên chèo chuyên nghiệp còn khó khăn, huống hồ là diễn viên không chuyên như chúng tôi. Chúng tôi yêu chèo nên tự nguyện đóng góp, luyện tập. Trong bối cảnh đạo cụ, trang phục, loa đài, ánh sáng phục vụ biểu diễn thiếu thốn, cái gì cũng cần, chúng tôi phải góp tiền mua sắm dần cho đủ. Năm 2014, Câu lạc bộ được giải A - Hội diễn sân khấu chèo không chuyên của TP Hà Nội. Đi biểu diễn, chúng tôi được huyện Quốc Oai hỗ trợ 20 triệu đồng nhưng phải chi 10 triệu đồng để thuê người viết kịch bản, số còn lại thuê trang phục, thuê phương tiện đi lại nên diễn viên không có thù lao. Nếu tập chèo để làm kinh tế thì sẽ không ai làm cả. Chúng tôi tham gia chỉ để nâng cao đời sống tinh thần thôi”.
Lại một mùa nhãn về trên quê hương Đại Thành. Năm nay, vườn nhãn của gia đình nào cũng sai trĩu quả. Người dân trong xã tất tả thu hoạch và mang nhãn đi khắp nơi tiêu thụ. Làng quê Đại Thành chộn rộn hơn bao giờ hết. Chủ tịch UBND xã Đại Thành Nguyễn Huy Anh cho hay, toàn xã Đại Thành có 170ha nhãn chín muộn, dự kiến năng suất nhãn toàn xã ước đạt 2.500 tấn. Bận rộn vì nhãn nhưng dứt khoát bà con vẫn không bỏ chèo. Sân tập tại nhà ông Sản vẫn sáng đèn đến khuya.
“Đi tập chèo về muộn, chỉ nằm nghỉ một chút rồi tinh mơ lại dậy đi chợ nhãn luôn. Chúng tôi vừa trồng nhãn, vừa đi chợ bán. Mệt thật đấy nhưng chỉ cần được đứng trên sân khấu, cất lời ca tiếng hát là những mệt mỏi lại tan biến” - chị Hoàng Thị Hường ở xóm 4 chia sẻ.
Trong lúc nghệ thuật chèo nói chung còn nhiều khó khăn, thì “Chiếu chèo nhạc lễ” ở xã Đại Thành vẫn đang được hồi sinh. Công lao này thực sự là tâm huyết, khát khao được giữ gìn nét văn hóa đặc sắc quê hương của những nông dân nơi đây. Để động viên và khích lệ, năm 2017, huyện Quốc Oai đã hỗ trợ câu lạc bộ 1 bộ loa đài trị giá hơn 90 triệu đồng và cấp một số kinh phí mua trang phục biểu diễn.
“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để gìn giữ, truyền bá và phát huy nghệ thuật chèo - loại hình văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau” - ông Sản tự hào khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.