Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển

Võ Lâm| 10/11/2016 05:54

(HNM) - Ngày 9-11, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội dành phần lớn thời gian làm việc tại tổ thảo luận về các dự án luật: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Luật Quy hoạch, Luật Cảnh vệ, Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Quốc Bình phát biểu tại phiên họp tổ.Ảnh: Nhật Nam


Các ĐBQH cũng đã biểu quyết thông qua Điều 2 về mục tiêu cụ thể và toàn bộ Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm, theo đó xác định giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển.

Lập lại trật tự quy hoạch

Thảo luận về dự án Luật Hỗ trợ DNNVV tại Tổ 1 (Đoàn Hà Nội), các ĐBQH cho rằng cần rà soát kỹ dự thảo để tránh tình trạng sau khi luật ban hành lại nảy sinh tình trạng các DNNVV “không chịu lớn” để được hưởng hỗ trợ. ĐB Nguyễn Quốc Bình cảnh báo, sẽ có nhiều DN mới được thành lập, họ sẽ kết hợp với DN lớn để chuyển giá, trốn thuế, sau đó giải thể. Theo ĐB Lê Quân, luật hiện hành cho phép một chủ DN có 1 tỷ đồng cùng lúc đứng tên thành lập 10 pháp nhân, cùng một địa điểm kinh doanh có thể có 3 công ty. Các ĐB Đoàn Hà Nội đề nghị phải làm rõ quan điểm hỗ trợ, hỗ trợ phải đúng đối tượng, nhất là những DN làm ăn chân chính, có sáng kiến, sáng tạo.

Nhiều ĐB cho rằng, điều mà DN mong mỏi được hỗ trợ nhất là môi trường kinh doanh công bằng, thủ tục hành chính thuận lợi, đấu thầu không có “quân xanh, quân đỏ”. ĐBQH đề nghị Ban soạn thảo rà soát để đưa vào quy định hỗ trợ DNNVV tiếp cận nguồn vốn, vì đối với DN quan trọng là vốn đầu tư. Các ĐB cũng đề nghị, luật phải quy định rõ về bộ máy hỗ trợ DNNVV, cần xem xét có nên hình thành phòng thương mại ở các vùng, địa phương như các nước Pháp, Mỹ hay không.

Thảo luận về dự án Luật Quy hoạch, các ĐBQH cho rằng, luật ban hành phải nhằm mục đích lập lại trật tự quy hoạch. Đây là việc cấp bách hiện nay. Các ĐB cũng tán đồng cao đối với việc đưa ra thứ bậc trong quy hoạch; bỏ quy hoạch sản phẩm. Tuy nhiên, ĐB băn khoăn nếu đề ra nhiệm vụ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia thì sẽ khó hoàn thành trong vòng 2-3 năm tới, trong khi trên thế giới không phải nước nào cũng xây dựng quy hoạch này, chỉ số ít nước phát triển cao mới thực hiện. Vì quy hoạch tổng thể quốc gia đòi hỏi trình độ rất cao, lại phải thực hiện trong thời gian ngắn thì sẽ rất khó khăn. Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xem xét tăng chế tài liên quan đến vấn đề quy hoạch để ngăn chặn hành vi trục lợi từ lĩnh vực này.

Bãi bỏ nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bãi bỏ 27 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; bổ sung 15 ngành, nghề; 29 ngành, nghề có nội dung trùng lặp đã được hợp nhất vào 19 ngành, nghề quy định trong dự thảo; cập nhật, chuẩn xác hóa tên 18 ngành, nghề khác. Như vậy, tổng số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn 226 ngành, nghề (giảm 41 ngành, nghề so với Danh mục hiện hành).

Thảo luận tại tổ, nhiều ĐBQH đồng tình với quan điểm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Các ĐBQH cũng đồng tình, nhất trí cao với dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày, thị thực điện tử là thị thực được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị một lần, thời hạn không quá 30 ngày. Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử, sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, nếu đề nghị cấp thị thực mới thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Tăng chi đầu tư phát triển

Các ĐBQH cũng đã biểu quyết thông qua Điều 2 về mục tiêu cụ thể và toàn bộ Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm. Theo đó, Quốc hội quyết định mục tiêu trong cả giai đoạn 2016-2020 là đạt tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 6.864.000 tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011-2015... Tổng chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 8.025.000 tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi ngân sách nhà nước; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi ngân sách nhà nước; ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.

Nghị quyết cũng xác định tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương không quá 3,7% GDP và bội chi ngân sách địa phương không quá 0,2% GDP. Phấn đấu giảm mạnh bội chi ngân sách nhà nước để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP. Quốc hội cũng quyết định phải bảo đảm an toàn nợ công, với mục tiêu: Nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% so với tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm.

Cán bộ, công chức vi phạm đạo đức công vụ càng phải xử lý thật nghiêm

Mấy ngày nay, trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin về việc ông Nguyễn Khanh (76 tuổi, từng giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội) bị đánh sau khi xảy ra va chạm giao thông với một phụ nữ. Người đánh ông Nguyễn Khanh được cho là một cán bộ đang công tác tại Sở Ngoại vụ Hà Nội. Ngày 9-11, trao đổi với báo chí bên lề phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: Lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến đạo đức cán bộ, công chức, viên chức.

Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao đạo đức công vụ; đã kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm được báo chí, nhân dân phản ánh. Đối với vụ việc nêu trên, lãnh đạo thành phố đã nắm được thông tin, đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định, nguyên tắc là vi phạm pháp luật thì sẽ phải chịu các kỷ luật tương ứng. Là công dân bình thường vi phạm phải bị xử lý nghiêm; là cán bộ, công chức phải xử lý nghiêm hơn; cán bộ, công chức của Hà Nội thì phải bị xử lý nghiêm hơn nữa.

Quốc Bình ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.