Tại kỳ họp thứ mười bảy, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề năm 2025 đối với công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo và việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố, từ ngày 1-1-2022 đến 29-2-2024, toàn thành phố tiếp nhận 5.159 đơn khiếu nại, trong đó thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền 5.125 đơn; tiếp nhận 4.033 đơn tố cáo, trong đó thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền 2.851 đơn.
Dẫn một vài số liệu trên để thấy, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các kết luận thanh tra hết sức phức tạp. Nếu các cơ quan chức năng không giải quyết triệt để sẽ trở thành nguyên nhân phát sinh khiếu kiện đông người, vượt cấp, hình thành những “điểm nóng” gây mất ổn định tại cơ sở.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm, với nhiều giải pháp được triển khai. Nhờ đó, toàn thành phố đã xem xét, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo có nội dung khó, phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, với tỷ lệ trung bình đạt 82%.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thủ trưởng, người đứng đầu một số đơn vị chưa quan tâm và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, chưa bảo đảm số buổi tiếp dân theo quy định; công tác đối thoại trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hình thức, chiếu lệ. Trong khi đó, trình độ chuyên môn của một số cán bộ làm công tác tiếp công dân chưa đáp ứng yêu cầu.
Việc phân loại, xử lý đơn, thư chưa chính xác, còn hiện tượng nhầm lẫn giữa đơn khiếu nại với kiến nghị, đề nghị với tố cáo, dẫn đến tình trạng đơn, thư kéo dài, chậm xử lý, chưa đúng thời hạn quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa được quan tâm đúng mức.
Để tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời, hiệu quả các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, hạn chế tình trạng công dân khiếu kiện, gửi đơn thư vượt cấp, trước hết các cơ quan, đơn vị cần kiểm tra, rà soát kiện toàn bộ phận tiếp công dân. Trong đó, các cơ quan, đơn vị cần bố trí đủ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức thực hiện công tác này.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị rà soát chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, nhất là trong công tác theo dõi, tổng hợp, kiểm tra, đôn đốc bảo đảm rõ người, rõ việc.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tiếp công dân với tinh thần phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu công việc. Đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Trong đó cần tập trung vào những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, chất lượng giải quyết thấp, không chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên... để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, làm căn cứ đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
Một giải pháp quan trọng nữa là chú trọng tổ chức đối thoại khi giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, kết hợp với việc giải thích, tuyên truyền. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật để người khiếu nại tôn trọng, chấp hành kết quả giải quyết của người có thẩm quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.