Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 đặc biệt hơn các năm trước vì là năm đầu tiên tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới.
Một điểm cũng đặc biệt nữa là kỳ thi được tổ chức trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp và thay đổi trong sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra...
Theo các chuyên gia, bên cạnh thuận lợi, kỳ thi năm nay cũng có những khó khăn như bài thi đánh giá năng lực đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và kiến thức tổng hợp.
Dù khoa học công nghệ mang lại nhiều cơ hội nhưng không phải học sinh nào cũng có điều kiện tiếp cận tài nguyên trực tuyến hoặc thiết bị công nghệ. Sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, vốn đã tồn tại trong các kỳ thi năm 2023 và năm 2024, vẫn là một vấn đề lớn chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, khối lượng thông tin lớn và sự thay đổi nhanh chóng của các quy chế tuyển sinh năm 2025 so với các năm trước cũng gây khó khăn trong việc chuẩn bị...
Nhằm nhanh chóng khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, ngày 8-5-2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Công điện số 58/CĐ-TTg về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế thi.
Để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông an toàn, nghiêm túc, chu đáo, khách quan, bảo đảm độ tin cậy, tạo sự đồng thuận cao của xã hội, các địa phương cần chuẩn bị kỹ lưỡng những điều kiện cần thiết, có phương án dự phòng cho mọi tình huống bất thường. Việc phân công nhiệm vụ các thành viên hội đồng thi, cán bộ giám sát, coi thi phải bảo đảm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc “6 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả.
Bên cạnh đó, các sở giáo dục và đào tạo cần sớm hướng dẫn, kiểm tra các trường học trong việc tổ chức dạy và học, ôn tập, kiểm tra đánh giá đối với học sinh, bảo đảm đầy đủ các yếu tố cần thiết phục vụ, không để học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục phổ thông bị động, khó khăn khi tham gia, tổ chức kỳ thi.
Năm nay sẽ không còn xét tuyển sớm, tất cả các phương thức đều được đưa vào một đợt xét tuyển chung. Chính vì vậy, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các thí sinh cũng cần chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng, lên kế hoạch chọn trường, chọn ngành sớm, tránh tình trạng sao nhãng trong học tập, phải chủ động đầu tư học tốt các môn dự kiến lựa chọn thi tốt nghiệp để đạt kết quả tốt. Các nhà trường cần tổ chức tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh hiểu rõ về ngành nghề, từ đó có định hướng phù hợp khi chọn ngành học trong tương lai.
Tuyển sinh không phải chỉ là tuyển đủ chỉ tiêu của các trường mà quan trọng hơn, sứ mệnh của các trường đại học là phải đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, nhu cầu học tập có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước gắn với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay không chỉ là hoạt động chuyên môn giáo dục mà còn là phép thử cho hiệu quả phối hợp của hệ thống chính trị trong bối cảnh đổi mới toàn diện. Với sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ và sự đồng lòng từ các cấp, ngành, địa phương... hy vọng kỳ thi sẽ bảo đảm chất lượng, công bằng và hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.