Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 đạt 62,5 tỷ USD và trong quý I-2025 đạt gần 13 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đằng sau những con số tăng trưởng tích cực này là vô vàn thách thức đang hiện hữu, như: Thị trường thế giới ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chi phí logistics leo thang, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu. Đặc biệt, tình hình thương mại toàn cầu đang biến động mạnh do thay đổi chính sách thuế quan của một số quốc gia nên Việt Nam khó tránh khỏi nguy cơ bị ảnh hưởng về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Thực tiễn này đặt ra câu hỏi làm thế nào để ngành Nông nghiệp Việt Nam thích ứng linh hoạt, bảo đảm sản xuất bền vững, tiêu thụ thông suốt và xuất khẩu hiệu quả trong môi trường kinh tế toàn cầu đầy bất định?
Để trả lời câu hỏi này, ngày 8-5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 59/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành và địa phương triển khai các giải pháp phù hợp để chủ động ứng phó; cung cấp thông tin kịp thời để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả với chính sách thuế quan của các nước nhập khẩu.
Trước tiên, cần nhìn nhận yếu tố then chốt để nâng cao “sức đề kháng” của ngành nông, lâm, thủy sản chính là tái cơ cấu sản xuất gắn với thị trường. Mô hình sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết phải dứt khoát chuyển sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ và tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn quốc tế. Chúng ta không thể kỳ vọng xuất khẩu bền vững nếu sản phẩm vẫn phụ thuộc vào tập quán canh tác truyền thống, thiếu kiểm soát dư lượng hóa chất hay vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Muốn vậy, vai trò "nhạc trưởng" của Nhà nước trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng hạ tầng logistics, trung tâm kiểm định chất lượng vùng và phát triển hệ thống cảnh báo sớm thị trường cần được phát huy mạnh mẽ. “Chìa khóa” quan trọng là củng cố hệ thống tiêu thụ nội địa - nền tảng bảo đảm tính ổn định trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn. Thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam cần được khai thác tốt hơn thông qua xây dựng chuỗi cung ứng nông sản nội địa, tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối hiện đại, phát triển thương mại điện tử, đồng thời đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Về phía doanh nghiệp, không thể chậm trễ hơn trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ gia công sang giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu quốc gia cho từng nhóm sản phẩm chiến lược như gạo, cà phê, hồ tiêu, trái cây nhiệt đới, thủy sản… Để làm được điều này, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư công nghệ chế biến sâu, phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế và quan trọng hơn cả là kiên trì chiến lược chinh phục thị trường bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và bảo vệ thương hiệu.
Cũng không thể không nhắc đến vai trò của hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: CPTPP, EVFTA, RCEP… từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp. Việc am hiểu các cam kết, tận dụng ưu đãi thuế quan, cải cách thể chế trong nước để tương thích với chuẩn mực quốc tế là đòn bẩy quan trọng để hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường cao cấp, cũng như tìm thị trường mới.
Trong dòng chảy đầy biến động của thương mại toàn cầu, chỉ những quốc gia có khả năng thích ứng nhanh, tư duy chiến lược và quyết tâm hành động mới giữ được vị thế và phát triển bền vững. Việt Nam có đủ tiềm năng, đủ nền tảng và cũng đã có những thành quả bước đầu để nâng tầm xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Song, để đi xa hơn, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ và quyết liệt hơn từ tất cả các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Đó không chỉ là bài toán kinh tế, mà còn là yêu cầu sống còn để nông nghiệp Việt Nam không đứng bên lề cuộc chơi toàn cầu hóa mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.