Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương, hàng thủ công truyền thống của Thủ đô rất cao.
Với tiềm năng, dư địa lớn, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước trong phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm làng nghề. Để khai thác hiệu quả thị trường nội đô, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu...
Kết nối sản xuất - tiêu dùng
Cuối tuần qua, tại Vườn hoa Lạc Long Quân, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ tổ chức “Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2025”. Với 50 gian hàng, hơn 500 sản phẩm OCOP là đặc sản vùng miền của Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong cả nước, sự kiện thu hút đông đảo người dân tham quan, mua sắm...
Bà Trần Thị Kim Xuân (ở phường Xuân La, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Tôi thấy bày bán rất nhiều đặc sản vùng miền mà chợ truyền thống không có, như: Nước mắm Ba Làng (Thanh Hóa), chả mực Quảng Ninh… Các sản phẩm có chứng nhận OCOP, có kiểm định của cơ quan chức năng nên tôi yên tâm về vệ sinh, an toàn thực phẩm”. Bà Nguyễn Thị Thơm (ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) cũng bày tỏ tin tưởng khi mua sắm tại sự kiện. "Đây là sự kiện do thành phố tổ chức nên sản phẩm có sự kiểm soát về chất lượng. Ở đây có nhiều loại nông sản đặc sản, sản phẩm làng nghề. Tôi đặc biệt thích sản phẩm làm từ mây, tre đan đến từ huyện Chương Mỹ. Những chiếc rổ, rá, lồng bàn... được đan rất tinh xảo”, bà Thơm nói.
Không chỉ giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm chất lượng tốt, sự kiện này còn mang lại cơ hội mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Chị Triệu Thị Thoa, người dân tộc Dao, thành viên Hợp tác xã Truyền thống Nam Dược (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) cho hay: “Không chỉ tại tuần hàng, các sản phẩm thảo dược như trà giảo cổ lam, xạ đen, thìa canh... của Hợp tác xã bán khá tốt tại các sự kiện như thế này. Sau khi dùng hiệu quả, khách thường quay lại đặt hàng nhiều lần”.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Sữa Ba Vì (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) cũng mang đến nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao như sữa chua, bánh sữa... Theo đại diện Công ty cổ phần Sữa Ba Vì, người dân ngày càng quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm và chứng nhận OCOP đã tạo niềm tin mạnh mẽ cho người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Văn Thắng (ở quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) - người có gian hàng rong biển đạt chứng nhận OCOP 3 sao cho biết: "Thị trường Thủ đô tiêu thụ rất tốt. Mỗi ngày, tôi bán đạt doanh thu 10 triệu đồng. Chúng tôi được Ban tổ chức hỗ trợ một phần chi phí thuê gian hàng và được truyền thông. Sự kiện rất thiết thực cho nhà sản xuất"...
Phát huy tiềm năng, lan tỏa thương hiệu
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, Hà Nội có không gian phát triển nông nghiệp rộng lớn, quy mô sản phẩm nông nghiệp đứng đầu cả nước, với hơn 153.000ha lúa, 34.000ha rau, 24.700ha thủy sản, 1,5 triệu con lợn, 42,3 triệu gia cầm. Hà Nội cũng có 1.336 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 1.574 trang trại, 172 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, Hà Nội có 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, hơn 14.000 sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã được cấp mã QR truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, Hà Nội còn có 1.350 làng nghề, chiếm 40% làng nghề cả nước - đây là "cái nôi" tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP. Về ẩm thực, người Hà Nội có nhiều bí quyết chế biến đạt trình độ tinh hoa ẩm thực, có nhiều đặc sản có giá trị kinh tế to lớn, tạo bản sắc văn hóa đáng tự hào. Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 3.317 sản phẩm OCOP (chiếm 21,3% của cả nước); trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao, dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.
Nhằm kết nối sản phẩm OCOP và nông sản an toàn với thị trường, trong năm 2025, Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, nổi bật là các sự kiện Tuần hàng nông sản, sản phẩm OCOP và làng nghề.
Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, các tuần hàng sẽ được tổ chức tại nhiều quận, huyện, thị xã. Mỗi tuần hàng kéo dài 5 ngày, quy tụ hàng trăm sản phẩm OCOP tiêu biểu không chỉ của Hà Nội, mà còn từ nhiều tỉnh, thành phố của cả nước… Đây là dịp để các chủ thể sản xuất quảng bá thương hiệu, giao lưu học hỏi, đồng thời là cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm đặc sắc, có chứng nhận về chất lượng.
Có thể thấy, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của Hà Nội có cơ hội tiêu thụ mạnh hơn, từng bước hình thành thị trường tiêu dùng nội đô bền vững, có chọn lọc. Việc khai thác hiệu quả tiềm năng tiêu dùng tại Thủ đô không chỉ là vấn đề phát triển kinh tế, mà còn góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, bản sắc địa phương trong thời kỳ hội nhập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.