Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp hữu hiệu

Thế Văn| 20/08/2021 06:06

(HNM) - Thời gian gần đây, khi dịch Covid-19 làm đứt gãy hoạt động tiêu thụ nông sản, nhiều hộ nông dân ở các huyện ngoại thành Hà Nội phải trông cậy vào sự trợ giúp của chính quyền, các hội, đoàn thể, người dân… Thế nhưng, với những hộ nông dân, cơ sở sản xuất nông nghiệp tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thì không phải lo lắng bởi vẫn tiêu thụ bình thường. Thậm chí, có chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức bán hàng, giao hàng nên đã tăng gấp đôi lượng hàng hóa bán ra thị trường.

141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội hoạt động thông suốt trong thời gian Thủ đô và nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội không chỉ góp phần bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường Hà Nội mà còn giúp ổn định đời sống nông dân. Thực tế này một lần nữa cho thấy, liên kết chuỗi là giải pháp hữu hiệu để đối phó với tình trạng được mùa mất giá, tiêu thụ bấp bênh…

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, các chuỗi liên kết nông sản ở Hà Nội vẫn tồn tại không ít vấn đề. Quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa còn nhiều bất cập dẫn tới những khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm. Số lượng chuỗi liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng; hoạt động liên kết chưa chặt chẽ, chuyên nghiệp...

Khắc phục những hạn chế nêu trên, để các chuỗi liên kết là “điểm tựa” vững chắc cho nông nghiệp Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đồng thời thích ứng nhanh với đòi hỏi từ thị trường và yêu cầu phát triển trong tình hình mới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, ngành Nông nghiệp Thủ đô và các địa phương cần bám sát và triển khai thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-UBND ngày 11-5-2021 của UBND thành phố Hà Nội ban hành “Kế hoạch phát triển nông nghiệp theo chuỗi giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, cần sớm xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích hợp tác, liên kết, từ đó tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản. Song song đó, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Về phía các doanh nghiệp, hợp tác xã, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, phát triển sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ trong quá trình sản xuất, chế biến... Đây là vấn đề cốt lõi đối với việc phát triển các chuỗi liên kết cũng như sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp Thủ đô. Để có một lượng lớn sản phẩm đáp ứng nhu cầu của các phương thức tiêu thụ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, kênh mua sắm trực tuyến…, các doanh nghiệp, hợp tác xã phải hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình khép kín. Qua đó, vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh, vừa kiểm soát chất lượng nông sản từ gốc. Mặt khác, cần đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, triển khai đa dạng phương thức bán hàng gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng xu thế tiêu dùng mới.

Đối với người nông dân, cần tích cực tham gia vào các chuỗi liên kết, từng bước thay đổi phương thức sản xuất; chủ động tích lũy kiến thức, nghiệp vụ xây dựng chuỗi thông qua tự học tập cũng như các lớp tập huấn, hội thảo do các cơ quan, ban, ngành, địa phương tổ chức.

Thúc đẩy liên kết chuỗi là giải pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề đã và đang đặt ra từ thực tế, hướng tới sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp hữu hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.