Thị trường

Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản dịp Tết

Ngọc Quỳnh 13/12/2023 - 06:44

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là thời điểm nhu cầu nông sản, thực phẩm tăng mạnh. Tuy nhiên, Hà Nội mới chủ động được một phần, nên ngành Nông nghiệp Thủ đô tập trung hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội tăng cường phối hợp với nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã của các tỉnh, thành phố nhằm thúc đẩy liên kết tiêu thụ nông sản...

thuc-1.jpg
Thu hoạch rau trồng theo phương pháp thủy canh tại Công ty cổ phần Đầu tư An Hòa (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang

Chủ động nguồn cung

Trong những ngày này, tại Hà Nội, nông dân trồng rau vụ đông đang tích cực chăm sóc, thu hoạch; đồng thời gieo trồng các loại rau ngắn ngày gối vụ để cung cấp nguồn rau xanh cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, với diện tích khoảng 250ha trồng các loại rau, mỗi ngày hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn rau các loại. Ngoài ra, vào những ngày cận Tết, hợp tác xã còn liên kết sản xuất với các vùng rau lân cận để tăng sản lượng lên gấp 2 lần so với hiện nay.

Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Đào Quang Vinh, để chuẩn bị nguồn cung thịt lợn cuối năm, doanh nghiệp đã liên kết với các trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, nhằm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường khoảng 300-400 tấn thịt trong và sau Tết Nguyên đán 2024.

Đánh giá về tình hình cung ứng nông sản, thực phẩm cho thị trường dịp Tết, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, Hà Nội là địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất của cả nước, nhưng hiện các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của thành phố mới đáp ứng được từ 20% đến 70%. Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố bạn và nhập khẩu từ nước ngoài. Ước tính tổng giá trị nông sản phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn thành phố đạt khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với dịp Tết năm 2023).

Để bảo đảm hàng hóa cho thị trường dịp Tết, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố phát triển hơn 946 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền của các tỉnh, thành phố với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn. Trong đó, sản phẩm gạo từ một số tỉnh phía Bắc và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; rau, củ, quả từ Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng…; trái cây từ Hưng Yên, Hải Dương, các tỉnh phía Nam; thủy, hải sản từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An...

thuc-2.jpg
Chế biến thịt lợn tại Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín). Ảnh: Vũ Sinh

Kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm

Trên thị trường Hà Nội có đa dạng các nguồn cung cấp hàng hóa thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản, nên việc bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng, được ngành Nông nghiệp Thủ đô đặc biệt quan tâm.

Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen (quận Thanh Xuân) Nguyễn Tiến Hưng cho rằng, cùng với việc hỗ trợ các hợp tác xã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bảo đảm số lượng, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh giải pháp liên kết vùng trong cung cấp thực phẩm an toàn cho Hà Nội; có phương án giám sát, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm trên thị trường... để cung ứng nông sản an toàn đến tay người tiêu dùng Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Visafo (huyện Đông Anh) Lại Đức Dũng, để giám sát chất lượng rau an toàn liên kết với các hộ dân trên địa bàn xã Vân Nội cung cấp cho thị trường dịp Tết, công ty sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất an toàn theo hướng VietGAP. Cùng với đó là cử cán bộ giám sát chất lượng rau an toàn từ sản xuất đến sơ chế, chế biến sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất theo kế hoạch năm và chú trọng phòng, chống dịch bệnh động vật. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương Hà Nội trong việc theo dõi, bám sát tình hình cung - cầu, giá cả, thị trường hàng hóa trên địa bàn để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan kiểm tra những cơ sở giết mổ động vật, cơ sở thu gom thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm từ thịt. Cùng với đó, tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm tiêu thụ lớn, có mối nguy cao, vào các dịp cao điểm; đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn, vệ sinh thực phẩm theo quy định khi cần thiết, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản dịp Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.