(HNMO) - Ngày 26-11, tại TP Hồ Chí Minh, báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Sở KHCN tổ chức hội thảo “giải pháp nào nhằm cứu chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai (SG-ĐN)”.
Hội thảo nhằm đánh giá những tác động của môi trường xung quanh đến chất lượng nguồn nước lưu vực sông, từ đó, đưa ra nguyên nhân và những giải pháp tổng thể nhằm bảo vệ nguồn nước sông SG-ĐN.
Trong bài tham luận “hiện trạng các công trình thủy điện và tác động đến sông SG-ĐN”, GS.TS Tăng Đức Thắng, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nêu rõ, ước tính dung tích hữu ích của các hồ chứa trên lưu vực sông khoảng 7,7 tỷ m3. Trong tương lai, khi các hồ đang được xây dựng và đi vào vận hành sẽ bổ sung thêm khoảng 1,5 đến 1,6 tỷ m3 nước và sẽ bổ sung nguồn nước cho toàn khu vực không dưới 6 tỷ m3 vào mùa khô. Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện, đặc biệt là ở thượng nguồn sông SG-ĐN đã làm thay đổi dòng chảy, gây tác động đến toàn bộ lưu vực sông.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TP Hồ Chí Minh), hiện trạng ô nhiễm trên sông SG-ĐN đáng báo động. Cụ thể, trên sông Sài Gòn, độ PH trong khoảng 5,16 đến 7,15, có xu hướng tăng dần từ thượng nguồn ra đến cửa sông. Ngoài ra, các chỉ số như: oxy hòa tan, oxy sinh hóa, hóa học… đều không đạt tiêu chuẩn. Tương tự, trên sông Đồng Nai các chỉ số trên cũng không đạt. Mức độ nhiễm khuẩn về mật độ Coliform từ 230 đến 240.000 MPN/100 ml. Nguyên nhân chủ yêu do nước thải từ các khu dân cư, dịch vụ ăn uống dọc sông chưa được thu gom, xử lý.
Nhìn về vấn đề quy hoạch tổng thể cho lưu vực sông SG-ĐN, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường, đề xuất các nhóm giải pháp công trình như: phát triển diện tích rừng đầu nguồn, phòng hộ; xây dựng công trình thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt; di dời các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm… Bên cạnh đó, cần xây dựng các dự án phi công trình về phòng ngừa ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, đồng thời, tăng cường năng lực cho các đơn vị liên quan và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường lưu vực sông.
Trong phần thảo luận, các đại biểu cũng đã đưa ra và mổ xẻ các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ nguồn nước sông SG-ĐN, qua đó, nêu lên những khó khăn, vướng mắc hiện nay, nhất là vấn đề quy hoạch và kinh phí. Từ đó đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ nguồn nước trên lưu vực sông.
Được biết, lưu vực sông SG-ĐN có diện tích tự nhiên 37.400 km2, với dân số gần 20 triệu người. Hệ thống sông chảy qua 13 tỉnh, thành, thượng nguồn bắt đầu từ tỉnh Đắk Nông và hạ lưu là tỉnh Long An.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.