(HNMCT) - “Quá giang lục bát” của nhà thơ Lê Phương Liên là tập thơ gồm 68 bài với nhiều cung bậc cảm xúc, tình cảm, tâm trạng, tâm thế, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào đầu năm nay.
Những cung bậc này như đan cài, dằng dịt, níu kéo lẫn nhau, nương tựa vào nhau trên cái nền nhất quán của cảm xúc. Nhiều lúc chúng như tung tẩy, bay bổng vượt ra khỏi vùng ý thức của chính người viết nhưng vẫn dung dị, tươi mới. Trong cái hơi hướng nhiều khi gần như là vô thức ấy, nhà thơ Lê Phương Liên vô tình tạo dựng cho mình một không gian tự do về mặt ý tưởng, nội dung, thoát khỏi sự ngặt nghèo của thể loại và sự giam cầm của hình thức.
Có thể coi “Con về vin ngọn trầu cong” là một bài thơ trọn vẹn. Khi viết "Con về vin ngọn trầu cong/ Nâng trái cau thắm thầm mong bà về" thì cũng là lúc người cháu nâng niu, gìn giữ kỷ niệm không thể nào quên về một người bà. Người bà luôn bỏm bẻm nhai trầu gợi về sự bình thản, tin cậy như một biểu tượng từ bao đời nay. Ấy cũng là nơi con cháu luôn hướng về với sự quá đỗi kính yêu. Quá khứ ấy máu thịt đến nỗi như đang sống (hoặc trở về) cùng hiện tại thật đẹp đẽ trong cảnh sắc thật rạng rỡ: "Vườn bà, hoa nở mấy bề/ Mẫu đơn rực lối cận kề ngày xưa".
Trên “đường chiều” với “bước tỉnh bước mơ”, một kỷ niệm máu thịt nữa lại trở về. Ấy là những lần người cháu, cũng như bà, luôn “ngóng chờ chợ phiên”. Bài thơ kết ở hai câu tài hoa: "Gánh cong cong cả muộn phiền/ Áo nâu nâu cả nỗi niềm tóc tơ...".
Trong “Quá giang lục bát”, Lê Phương Liên còn nhiều bài thơ đáng nhớ khác. Ấy là “Ơi gió”, “Cái tên bỏ bùa”, “Cởi”, “Đổ”, “Cây và cỏ”, “Giấc lộc vừng”, “Đã từng”, “Nơi gió dừng chân”, “Em về”, “Đông về cởi áo cho cây”, “Sắc... không”, “Tự trăng”, “Quá giang lục bát”... với những chi tiết thơ đắt, câu thơ hay: "Bỏ bùa ta một cái tên/ Biết còn ai để bắt đền nhớ thương"; "Đổ vào anh những gầy hao/ Đổ vào nhau những chiêm bao cuộc người"; "Ru người giấc mộng mong manh/ Bao nhiêu hư ảo thì thành phù du?"; "Cháy lên thôi chút mỹ miều/ Để tro bụi cả những điều viển vông"; "Một mình tôi với mênh mông/ Ngỡ là tất cả, ngỡ không là gì"; "Mây non chưa biết thở dài/ Cỏ ngây ngô biếc gió đài các say"; "Đêm nồng men nhớ đầy cơi/ Nghiêng sang bên ấy sợ vơi bên này"... Và cặp lục bát nói về sự chuyển mùa thật tài tình trong “Nơi gió dừng chân”: "Hạ còn chưa tỉnh giấc sen/ Hồn mưa đã giục loa kèn vào thơm".
Tương tự, người đọc sẽ nhận ra ngay hiện tượng độc đáo trong ngôn ngữ thơ Lê Phương Liên: "Chỉ mình em tự đầy em/ Tự đầy ngày/ tự đầy đêm/ tự đầy/ Tự đầy từ lá xanh cây/ Tự đầy đến bạc màu mây vẫn đầy"; "Lạnh lùng/ cô quạnh hàng cây/ Tiếng dương cầm vọng/ những ngày không ai"; "Thương về mùa cũ xa xăm/ Mưa thâm gốc rạ, rét bầm nón tơi".
Theo nhà nghiên cứu văn học Khrachenko, ngôn ngữ vô sinh là ngôn ngữ của người làm thơ sáng tạo ra và chỉ tồn tại trong văn cảnh nhất định. Chúng hầu như không có trong từ điển nhưng chúng vẫn rất đặc trưng, rất sinh động, vẫn có nghĩa, vẫn lay gợi và vẫn tồn tại. Nếu soi chiếu vào thơ lục bát của Lê Phương Liên, chúng ta bắt gặp một hệ thống ngôn ngữ vô sinh đa dạng và phong phú ấy. Cách sử dụng từ láy ở hầu hết trong từng câu thơ, bài thơ cho thấy cái nhìn hóm hỉnh, tinh tế được khéo léo vận dụng đã tạo ra một giọng điệu riêng của Lê Phương Liên, làm cho mỗi câu thơ, mỗi bài thơ như nốt nhạc thiền thả vào không gian tĩnh lặng, trong suốt mà dư âm cứ vang vọng mãi.
Đó là "liu khiu" trong "Liu khiu đêm ấp ngực ngày", "thấp thểnh" trong "Heo may thấp thểnh đường trời", "rổng rông" trong "Gió vi vu hát những điều rổng rông", "thỏng thảnh" trong "Gió sương thỏng thảnh triền đê", "ngần ngật" trong "Áo khăn phố thị vẫn ngần ngật quê", "nưng nức" trong "Vườn em nưng nức ru lời biếc xanh"...
Và cộng tất cả những "giấc tầm gai", "giấc sen", "giấc lộc vừng", "giấc xuân thì", "giấc xa"... thành "giấc thơ", đã làm nên nét riêng biệt của lục bát Lê Phương Liên.
Nhà thơ Lê Phương Liên sinh năm 1957, quê quán Hải Phòng, là hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng. Hiện ông đã xuất bản 4 tập thơ "Hoa cỏ may" (2007), "Độc thoại sen" (2019), "Nhắm mắt để nhìn" (2020), "Quá giang lục bát" (2022).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.