(HNM) - Ủy ban Châu Âu (EC) vừa công bố kế hoạch thành lập Quỹ Quốc phòng Châu Âu với ngân sách ước tính khoảng 5,5 tỷ euro (6,2 tỷ USD) mỗi năm.
Quỹ chi tiêu quốc phòng chung cho phép chính phủ các nước thành viên có thể đóng góp hoặc vay tiền, mở ra cơ hội để các định chế tài chính chung của Liên minh Châu Âu (EU) chi ngân sách cho những dự án nghiên cứu quân sự. Đề xuất mới cũng sẽ giúp các quốc gia thành viên chi tiêu hiệu quả hơn và thúc đẩy chia sẻ năng lực quốc phòng.
Quỹ quốc phòng Châu Âu có thể khiến các nước thành viên EU tăng cường sức mạnh quân sự. |
Hiện nay, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu vẫn bị cấm rót tiền vào các dự án quân sự nên việc thành lập quỹ chung dành cho quốc phòng được hy vọng sẽ khiến các nước thành viên đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm này, mở đường cho việc ngân hàng trở thành một nhà tài trợ quan trọng cho quỹ. Việc chi tiêu của EU cho nghiên cứu quân sự đã giảm 1/3 kể từ năm 2006 khiến các nước thành viên hầu như phụ thuộc vào khí tài quân sự hiện đại của Mỹ. Thế nhưng, việc cắt giảm này lại không được bù đắp bằng cách tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên mà theo tính toán của Bỉ, chính sự thiếu hợp tác quốc phòng đã khiến Châu Âu tốn kém ít nhất 25 tỷ euro mỗi năm.
Đây cũng là một bước tiến đáng khích lệ trong bối cảnh Châu Âu chia rẽ vì nhiều vấn đề, bao gồm cả hợp tác quân sự. Sở dĩ Châu Âu đạt được sự thống nhất khá suôn sẻ trong vấn đề tài chính quốc phòng lần này là do lần đầu tiên trong 6 năm qua Anh đã không phản đối việc tăng ngân sách quân sự của khối. Các quan chức EU cho rằng, động thái của Anh có thể là tín hiệu cho thấy khả năng London sẽ vẫn tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ về quốc phòng với liên minh ngay cả sau khi rời khỏi EU do lo ngại các mối đe dọa an ninh chung từ những chiến binh Hồi giáo và nhiều thách thức khác.
Bên cạnh đó, có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump thay đổi chính sách đối với NATO, buộc EU phải đi đến quyết định tự lực tăng cường bảo đảm an ninh cho chính mình. Theo Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, trong tình hình mới, Châu Âu không có lựa chọn nào khác là cùng hợp lực giải quyết những thách thức, bảo vệ các lợi ích của mình tại Trung Đông, trong vấn đề biến đổi khí hậu hay các thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên ông Juncker cũng khẳng định, kế hoạch thiết lập quỹ quốc phòng chung của EU không hướng tới mục tiêu làm suy yếu NATO.
Trên thực tế, từ một lục địa thanh bình và an toàn, Châu Âu hiện đang là điểm nóng về vấn đề an ninh. Đặc biệt, bước tiến trong thời đại công nghệ thông tin cũng là một trong những điểm tạo thuận lợi cho các tổ chức khủng bố, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoạt động. Các nhà phân tích nhận định, hạn chế lớn nhất của Châu Âu là không có sự phối hợp giữa các nước thành viên. Các vụ khủng bố đẫm máu trong lòng châu lục cho thấy sự hợp tác, trao đổi thông tin giữa các quốc gia EU về các đối tượng nghi vấn và hồ sơ tội phạm lỏng lẻo, không hiệu quả. Cho đến nay, việc bảo đảm an ninh vẫn là cuộc chiến đơn lẻ của từng thành viên trong khối và EU vẫn chưa có một chính sách an ninh chung cũng như thiếu sự phối hợp chặt chẽ nhằm phát huy hiệu quả các công cụ sẵn có.
Trong khi đó, nhiều quốc gia Châu Âu vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau các cuộc khủng hoảng về kinh tế toàn cầu và cơn bão nợ công. Điều đó đã ảnh hưởng đến các chương trình mua sắm, hiện đại hóa quân đội của nhiều nước. Vì vậy, việc thiết lập một Quỹ Quốc phòng Châu Âu là phương án hợp lý, được xem như một điểm tựa khả thi trong bối cảnh EU đang đối mặt với những thách thức an ninh chưa từng có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.