Ngày 15-11, Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ triển vọng tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay và năm 2024, đồng thời cho biết nền kinh tế “đã mất đà” do lạm phát đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng và lãi suất ngân hàng trung ương cao hơn, ngăn cản việc vay mượn để mua hàng, đầu tư.
Triển vọng kinh tế EU trong năm nay đã giảm xuống 0,6% từ 0,8% đối với 20 quốc gia sử dụng đồng euro và giảm xuống 1,2% từ 1,3% cho 2024. Mức giảm trên có thể chưa dừng lại bởi ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga -Ukraine và cuộc chiến Israel - Hamas ở Gaza.
Cho đến nay, cuộc xung đột không ảnh hưởng đến nguồn cung dầu từ các nhà sản xuất Trung Đông như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nhưng có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng, gây tác động đáng kể đến giá cả và tăng trưởng toàn cầu. EC cho biết, tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện khi lạm phát giảm, kích thích người dân chi tiêu nhiều hơn.
Ủy viên kinh tế EU Paolo Gentiloni cho biết: “Chúng ta đang sắp kết thúc một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế EU. Áp lực từ tình trạng tăng giá mạnh mẽ và chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, cũng như nhu cầu tiêu dùng toàn cầu yếu đã gây thiệt hại cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Hướng tới năm 2024, chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ tăng nhẹ khi lạm phát giảm bớt”.
Nền kinh tế EU hầu như không tăng trưởng trong năm nay. Quý I ghi nhận mức tăng trưởng bằng 0, còn quý III mức tăng trưởng 0,2% .
Một trong những tín hiệu tích cực hiếm hoi là tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống 2,9% trong tháng 10 từ mức đỉnh 10,6% một năm trước và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp kỷ lục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.