(HNM) - Các bộ trưởng môi trường của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) ngày 28-6 nhằm tìm kiếm đồng thuận về các dự luật đầy tham vọng để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, hiện EU đang tranh cãi về việc làm thế nào để bảo vệ những người có thu nhập thấp trong khối tránh khỏi tác động chính sách "người gây ô nhiễm phải trả tiền". Cuộc tranh cãi này tạo mối lo về nguy cơ cản trở liên minh đạt thỏa thuận về một loạt biện pháp đóng góp vào quá trình xanh hóa nền kinh tế.
Các dự luật trên được thiết kế nhằm giúp EU đạt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 55% khí thải ròng các bon so với mức năm 1990. Thỏa thuận đạt được tại hội nghị này sẽ tạo cơ sở cho các cuộc thảo luận tại Nghị viện châu Âu (EP) về nội dung luật cuối cùng. Dẫu vậy, hiện các nước đang bất đồng về kế hoạch của EU cho ra đời một thị trường khí thải mới vào năm 2026, áp đặt chi phí thải khí đối với các loại nhiên liệu gây ô nhiễm sử dụng trong các tòa nhà và trong hệ thống vận tải.
Trên thực tế, kế hoạch này sẽ khiến các nhà cung cấp nhiên liệu trong nước phải trả giá cho lượng các bon mà sản phẩm của họ thải vào khí quyển. Ý tưởng này ngay lập tức gây lo ngại. Nhìn chung, các tòa nhà trên toàn khu vực EU phải chịu trách nhiệm cho 40% tiêu thụ năng lượng và 36% phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, lĩnh vực giao thông tạo ra khoảng 30% lượng khí thải, phần lớn trong số đó (hơn 70%) đến từ vận tải đường bộ. Bên cạnh đó, các nhà máy cũng khiến gia tăng phát thải khí nhà kính.
Theo một số chuyên gia, mức tăng chi phí hằng ngày như vậy có thể dẫn đến bất bình và bất ổn xã hội, tương tự như những gì đã xảy ra ở Pháp khi Chính phủ cố gắng áp dụng thuế nhiên liệu. Phản ứng dữ dội đó có thể buộc Brussels và chính phủ các quốc gia phải trì hoãn các sáng kiến và cải cách xanh khác, được cho là một sự trì hoãn mà không nền kinh tế lớn nào có thể chịu được trong tình hình biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố: "Nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch hiện tại của chúng tôi đã đạt đến giới hạn. Và chúng tôi biết rằng đã đến lúc phải chuyển sang một mô hình mới". Trong khi Phó Chủ tịch điều hành EC Frans Timmermans cho biết: “Chúng tôi đang định giá các bon để mọi người có động lực sử dụng ít các bon hơn và chúng tôi đặt giá cao hơn cho việc khử các bon để kích thích sự đổi mới và thích ứng”. EC lập luận rằng tất cả các lĩnh vực - không có ngoại lệ - phải đóng góp vào quá trình xanh hóa rộng lớn nền kinh tế của EU, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực tập thể này không thể loại trừ hai lĩnh vực gây ô nhiễm là các tòa nhà và giao thông đường bộ.
Theo các nhà phân tích, bất cứ thỏa thuận nào cũng sẽ phụ thuộc vào việc liệu các bộ trưởng môi trường của 27 quốc gia thành viên EU có thể nhất trí về một quỹ mới của EU nhằm giúp các hộ nghèo thanh toán hóa đơn năng lượng và chuyển đổi sang năng lượng sạch hay không. Các nước đang chia rẽ về quy mô của quỹ và cách thức phân bổ nguồn tài chính này. EC đề xuất quỹ sẽ gồm thu nhập từ 1/4 tiền bán giấy phép thải khí trên thị trường khí thải mới, dự kiến khoảng 72 tỷ euro (tương đương 76 tỷ USD) từ năm 2025-2032. Các nước giàu như Đức và Hà Lan muốn giảm quy mô quỹ, trong khi một số nước như Áo dự kiến chỉ nhận được gần 1% quỹ. Một số nước Trung và Đông Âu cho rằng, quỹ nên lớn hơn và không đồng ý với một thị trường khí thải mới nếu không có quỹ này.
Rõ ràng, nếu các bên không thể nhất trí về quỹ trên, các đề xuất khác ít khả năng đạt thỏa thuận, kể cả việc cải cách thị trường khí thải hiện nay vì các luật có liên quan đến nhau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.