Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường đến chiến thắng của những chiến sĩ mặc áo tù

Lê Đoàn| 30/04/2014 06:59

(HNM) - Ngày 30-4-1975, mới 5h sáng, bọn quân cảnh đã tràn vào điểm danh tại các phòng giam trại giam tù binh cộng sản Cần Thơ...



Trước sự việc bất thường ấy, Đảng ủy trại giam nhận định: Cuộc kháng chiến đang đi đến giai đoạn cuối, địch có thể chuyển tù binh ra đảo hoặc đưa đi thủ tiêu. Yêu cầu các phòng giam khẩn trương động viên tinh thần anh chị em bình tĩnh, giữ vững ý chí; chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh, sẵn sàng chống lại âm mưu, thủ đoạn đen tối của kẻ thù.

Trại giam tù binh cộng sản Cần Thơ nằm ở phía Tây nam thành phố Cần Thơ, gần sân bay quân sự Trà Nóc, do Thiếu tá Hoàng Đình Hoạt, một cai ngục chống cộng khét tiếng làm Chỉ huy trưởng. Trại giam có diện tích trên 20.000m2, với 19 phòng giam, mỗi phòng chứa từ 60 đến 80 tù binh. Bao quanh trại giam là hệ thống tường rào, hàng rào dây kẽm gai, bãi mìn... Ban đêm địch tăng cường quân cảnh, chó nghiệp vụ tuần tra. Trên vọng gác, lính canh cứ 2 giờ thay phiên một lần, một bóng đèn 500W chiếu sáng rực liên tục từ 18h đến 6h sáng hôm sau cùng với khẩu đại liên quay nòng vào trại giam, sẵn sàng nhả đạn. Không những thế, trại giam còn được xây dựng kết nối liên hoàn với Phi trường 31, kho quân tiếp vụ, khu gia binh và các căn cứ quân sự quan trọng khác để hỗ trợ khi cần thiết.

Tù binh Trại giam Cần Thơ đều đã trải qua nhiều trại giam khác nhau, như: Phú Quốc, Biên Hòa, Pleiku... Trên 90% anh chị em bị bắt khi bị thương rất nặng, mất nhiều máu, lại bị đánh đập, tra tấn tàn bạo, cùng với chế độ lao tù hà khắc, ốm đau, bệnh tật liên miên nên sức khỏe rất yếu.

Tập thể phòng giam 19, Trại giam tù binh cộng sản Cần Thơ.


Để lãnh đạo cuộc đấu tranh trong nhà tù của địch, Đảng ủy nhà lao được thành lập do đồng chí Trịnh Văn Cư (nguyên là Ủy viên Tỉnh ủy Bình Định) làm Bí thư Đảng ủy và đồng chí Bửu (Mỹ Tho) làm Phó Bí thư. Các phòng giam đều thành lập chi bộ đảng, đoàn thanh niên, hội đồng hương... Để tránh địch phát hiện đàn áp, sinh hoạt Đảng chủ yếu diễn ra trong những thời gian đi bộ hoặc họp bí mật tại khu nhà bếp trại giam. Nhiệm vụ của Đảng ủy nhà tù là tìm hiểu, phát hiện những đảng viên trung kiên, tổ chức các phong trào đấu tranh cải thiện đời sống lao tù; bảo vệ, chăm sóc thương binh, người già, phụ nữ; bồi dưỡng lý tưởng cách mạng; phát hiện, bồi dưỡng quần chúng tích cực, phát triển Đảng trong tù; liên hệ, móc nối với cơ sở Đảng ngoài nhà tù để hoạt động đúng hướng.

Để công khai, trực tiếp đấu tranh với địch, Ban đại diện tù binh ra đời gồm các đảng viên có năng lực, phẩm chất chính trị tốt, có trình độ lý luận, được anh em tin tưởng bầu ra. Đó là các đồng chí: Đoàn Hải (Nam Hà) làm Trưởng đại diện, đồng chí Nguyễn Sơn Thủy (Bến Tre), Tô Ngọc Tuấn (Thanh Hóa) làm Phó đại diện và các tổ giúp việc như: Tổ an ninh chính trị, tổ đời sống, tổ tuyên truyền văn hóa - văn nghệ, tổ chăm sóc thương binh...

Để phá hoại các tổ chức Đảng trong tù, địch cài bọn tay sai, chiêu hồi giả danh là tù binh vào trại, cùng sinh hoạt với anh em tù nhằm tìm hiểu nội bộ, gây mất đoàn kết, nghi ngờ lẫn nhau, phá hoại các kế hoạch đấu tranh của ta. Trước âm mưu của địch, anh em càng đoàn kết đấu tranh vạch mặt kẻ thù. Nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt đã nổ ra, như: Đánh quân cảnh, giết chiêu hồi, bắt trói trật tự viên của địch, tuyệt thực... Với tinh thần kiên trung, bất khuất, sẵn sàng đối mặt với cái chết của các anh: Võ Văn Kim (Bắc Ninh), Nguyễn Trọng Cư (Nghệ An)... đã làm cho bọn cai ngục phải nới lỏng chế độ lao tù, chấp nhận một số yêu sách chính đáng, tối thiểu của ta, như: Phải bàn giao khẩu phần gạo, thực phẩm hằng ngày để tù binh tự nấu (nhằm chống địch đầu độc bữa ăn). Đặc biệt, việc địch phải chấp nhận cho tù binh được học văn hóa, được tổ chức mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, được tự do ca hát sinh hoạt văn nghệ tập trung là thắng lợi lớn của các cuộc đấu tranh bền bỉ, thấm đẫm máu của tù binh, tiếp thêm sức mạnh chiến đấu, khích lệ tinh thần, tạo niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Hình thức đấu tranh hô la - tuyệt thực - mổ bụng là hình thức đấu tranh tập thể cao nhất, quyết liệt nhất và hiệu quả nhất. Chỉ tính trong thời gian chưa đầy 1 năm (từ tháng 11-1973 đến tháng 8-1974), Đảng ủy nhà lao Cần Thơ đã tổ chức 3 đợt tuyệt thực: Đợt 1 (tháng 11-1973) kéo dài 3 ngày. Đợt 2 (tháng 3-1974) kéo dài 7 ngày. Điển hình là đợt tuyệt thực thứ ba, do địch lấy cớ kinh tế khó khăn để cắt giảm khẩu phần ăn hằng ngày của tù binh. Đảng ủy nhà lao, trực tiếp là Ban đại diện tù binh tuyên bố tuyệt thực từ ngày 12-8-1974 để phản đối và chỉ dừng khi địch chấp nhận các yêu sách của tù binh. Trước khi tuyệt thực, có từ 1 đến 2 ngày hô la tập thể: Tố cáo chính sách vô nhân đạo, cố tình vi phạm Công ước quốc tế về tù binh chiến tranh của chính quyền Sài Gòn... Địch rất sợ hình thức đấu tranh này. Khi tù binh hô la, chúng dùng súng bắn uy hiếp, dùng máy bay trực thăng quần đảo, hòng át tiếng hô la. Nhưng chúng không thể ngăn được những tiếng thét căm thù đến với các tầng lớp nhân dân và dư luận báo chí bên ngoài.

Bước vào tuyệt thực, toàn trại không nhận khẩu phần ăn, mọi người nằm tại chỗ, không đi lại, không nói chuyện. Trại giam chìm trong im lặng, chỉ nghe thấy tiếng giày đinh của bọn quân cảnh vào điểm danh hoặc đi lại nghe ngóng tình hình ở bên ngoài. Phòng 19 là phòng thương binh, nhiều người vết thương chưa lành, có người bị liệt nhiều năm rất cần chăm sóc hằng ngày. Do đói, khát, vết thương quá nặng, tuyệt thực đến ngày thứ tư, thứ năm nhiều người đã hôn mê. Đến ngày thứ tám, thứ chín có anh chị em đã hy sinh. Căm thù chế độ lao tù tàn bạo, số anh em đăng ký tự nguyện mổ bụng ngày một đông. Tuyệt thực đến ngày thứ chín, các đồng chí Bùi Công Viên (Quỳnh Ngọc, Quỳnh Côi, Thái Bình), đồng chí Quách Văn Tặng (Tứ Kỳ, Hải Dương) đã hiên ngang vượt lên trước mặt bọn quân cảnh vạch áo, dùng dao nhọn rạch thẳng vào bụng, máu tươi phun trào, miệng hô vang: "Đả đảo chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đối xử tàn bạo với tù binh! Cách mạng Việt Nam nhất định thắng, Bác Hồ muôn năm!".

Trước những tấm gương quả cảm ấy, bọn quân cảnh phải rùng mình, khiếp sợ, lúng túng không biết xử lý thế nào, có tên xách súng bỏ chạy. Theo thông tin từ bên ngoài mà Đảng ủy nhà tù nắm được, thì đợt tuyệt thực đã được nhiều tờ báo tại Sài Gòn và báo chí của ta đưa tin. Ngày 21-8-1974, trước sức ép của dư luận và sự đấu tranh kiên quyết của ta, tên Hoạt đã phải xuống thang, trực tiếp gặp đại diện tù binh đề nghị dừng tuyệt thực và phải chấp nhận đáp ứng các yêu sách của ta…

8h ngày 30-4-1975, sau khi bọn quân cảnh vào điểm danh vừa đi khỏi, Ban đại diện trại giam cử một số anh em trèo lên nóc phòng giam quan sát, nắm tình hình bên ngoài. Để thăm dò phản ứng của địch, Đảng ủy, Ban đại diện tù binh yêu cầu gặp Ban Chỉ huy trại giam đòi yêu sách mới. Tên chỉ huy trưởng trại giam từ chối không gặp vì lý do công vụ. Gần 11h, Hoàng Đình Hoạt mặc quần áo dân sự chủ động xin gặp đại diện của ta. Nhìn dáng đi vội vã, bộ mặt sợ sệt, lo lắng của hắn, anh em tù binh đã đoán được ngày toàn thắng đã đến rất gần. Khác hẳn với mọi ngày, tên Hoạt khúm núm, tuyệt vọng thông báo:

- Chế độ Việt Nam Cộng hòa đã sụp đổ, miền Nam đã về tay cộng sản! Các ông đã thắng. Giờ đây, gia đình tôi ở Huế cũng không biết sống chết ra sao. Tính mạng tôi xin các ông định đoạt.

Sợ mắc mưu địch, ta yêu cầu chúng đưa radio và cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vào để ta nghe tin tức. Đúng thời điểm 11h30 ngày 30-4-1975, khi Dương Văn Minh - Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tuyên bố đầu hàng không điều kiện, cũng là lúc cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên cột cờ trước sân Ban Chỉ huy nhà tù Cần Thơ. Nhìn lá cờ bay trong gió, mọi người ôm nhau khóc vì sung sướng, khát vọng tự do bao năm đã thành hiện thực. Một không khí hân hoan, vui sướng tràn ngập trên khuôn mặt mọi người. Ngay lúc đó, tiểu đoàn chiến đấu đã được thành lập (mang tên Đoàn Chiến thắng), bắt bọn quân cảnh, giám thị mở kho vũ khí để trang bị cho anh em. 17h ngày 30-4-1975, những người lính vẫn mang trên mình quần áo tù, đi trên những chiếc xe Jeep, xe GMC cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng hùng dũng tiến vào thành phố Cần Thơ, phối hợp với dân quân, du kích, sinh viên, quần chúng nhân dân... làm nhiệm vụ ổn định an ninh, trật tự thành phố; ngăn chặn bọn tàn binh, phiến loạn cướp bóc tài sản của nhân dân. Một bộ phận nhanh chóng tiếp quản Dinh Tỉnh trưởng; Bộ Chỉ huy Quân đoàn 4 ngụy, Dinh thự Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn IV và Vùng IV chiến thuật; Đài Phát thanh Cần Thơ; Trung tâm Điều vận quân xa; Phi trường 31...; đồng thời kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền mang vũ khí, tài liệu trình diện Ủy ban Quân quản thành phố. Ngày 15-5-1975, những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Trại giam tù binh cộng sản Cần Thơ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bàn giao nguyên vẹn các cơ sở đã tiếp quản cho bộ đội chủ lực, chính quyền cách mạng. Anh em lưu luyến chia tay trở về đơn vị, cho nhau tên thật, địa chỉ thật để tìm gặp nhau ở quê nhà. Bởi trong tù có ai khai đúng tên, quê quán của mình đâu.

39 năm trôi qua, cứ đến ngày 30-4, anh em bị địch bắt và tù đày lại gặp nhau. Những kỷ niệm của ngày chiến thắng lịch sử vẫn sống mãi, vẹn nguyên như mới xảy ra ngày hôm qua trong ký ức mọi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường đến chiến thắng của những chiến sĩ mặc áo tù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.