(HNM) - Dù tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa hoàn thành, chưa đưa vào khai thác, nhưng phía dưới công trình đã xuất hiện nhiều bãi xe trông giữ xe trái phép, không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn làm mất mỹ quan đô thị.
Trông giữ xe trái phép trên phố Hào Nam. Ảnh: Tiền Phong |
Dải phân cách ở dưới gầm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đoạn qua phố Hào Nam, có diện tích hàng nghìn mét vuông đang biến thành bãi để xe với quy mô lớn. Vào lúc cao điểm nơi đây có tới hàng trăm ô tô. Các bãi xe này đều không có biển báo, không niêm yết tên doanh nghiệp cũng như giá trông giữ. Dù không thấy nhân viên trông xe, nhưng mỗi khi có phương tiện đến đỗ, lập tức xuất hiện người tới thu tiền với mức phí 30.000 - 50.000 đồng/lượt (không có vé xe). Cách đó không xa, dọc gầm đường đoạn qua phố Yên Lãng cũng có điểm trông xe án ngữ ngay tại dải phân cách giữa phố và quây tôn rào kín. Do tuyến phố Hào Nam, Yên Lãng có mặt cắt hẹp, mật độ phương tiện giao thông qua lại lớn nên mỗi khi có xe ra vào bãi đều gây khó khăn, mất an toàn đối với người tham gia giao thông; nhiều lúc còn gây ùn tắc cục bộ.
Được biết, trước đây do Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội quản lý, sử dụng khu vực này làm nơi trông giữ ô tô. Dọc các bãi xe đều dựng biển báo và có nhân viên mặc đồng phục phụ trách việc trông giữ, hướng dẫn xe ra vào bãi. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, từ tháng 3-2016, công ty đã dừng khai thác để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án đường sắt trên cao (ĐSTC) Cát Linh - Hà Đông.
Vậy những bãi xe ở chân cầu ĐSTC do đơn vị, cá nhân nào đứng ra tổ chức trông giữ? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Việt Cừ - Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa khẳng định, không có đơn vị nào được cấp phép trông giữ phương tiện tại khu vực này. UBND phường đã kiểm tra, nhưng phần dải phân cách ở gầm ĐSTC do Ban Quản lý (BQL) dự án đường sắt (Bộ GTVT) quản lý nên chính quyền địa phương gặp khó khăn khi xử lý. UBND và Công an phường Ô Chợ Dừa đã nhiều lần kiểm tra, nhưng không phát hiện người thu tiền trông giữ xe tại khu vực nói trên.
Theo quy định tại Thông tư 39/2011/TT - BGTVT của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ, về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, quy định: “Không sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất ATGT, ô nhiễm môi trường”. Trước thực trạng trên, ngày 22-2-2017, UBND phường Ô Chợ Dừa đã có Văn bản số 57/UBND-ĐT, gửi BQL dự án đường sắt (Bộ GTVT), với nội dung: Sau khi BQL dự án đường sắt thực hiện tháo dỡ hàng rào chắn khu vực thi công Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đoạn qua phố Hoàng Cầu có mật độ các phương tiện giao thông tăng đột biến dẫn đến tình trạng tắc đường thường xuyên trên phố Hào Nam nhiều tiếng đồng hồ, nhất là vào các giờ cao điểm do mặt cắt đường nhỏ, hẹp. Trong khi đó, tại dải phân cách giữa phố Hào Nam (phía dưới đường sắt đô thị) lại rất rộng, bỏ không nên dẫn đến tình trạng người dân tự phát trông giữ xe trái phép gây mất ANTT, an toàn giao thông và nhiều người còn tranh thủ đổ trộm phế thải trên dải phân cách, rất mất mỹ quan. UBND phường đề nghị BQL dự án đường sắt - đơn vị được giao quản lý phần đất dải phân cách bên dưới tuyến đường sắt đô thị xem xét, thu nhỏ dải phân cách giữa tuyến phố Hào Nam, trải thảm bê tông át phan để mở rộng mặt cắt đường giao thông và trồng cây xanh trên dải phân cách để tạo cảnh quan đô thị, ngăn chặn hiện tượng người dân tự phát trông giữ xe trái phép, đổ trộm phế thải...
Thiết nghĩ, để xảy ra tình trạng trông giữ phương tiện trái phép, một phần do phần diện tích thuộc dải phân cách ở phía dưới tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chưa được quản lý chặt chẽ. Để bảo đảm trật tự đô thị, chính quyền địa phương, cơ quan liên quan cần có cơ chế quản lý rõ ràng các phần diện tích đất này, đồng thời tăng cường kiểm tra, giải tỏa những điểm trông xe tự phát tại các khu vực trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.