(HNM) - Phản ánh chân thực, sinh động những vấn đề
Vở diễn "Tri ân" của quận Đống Đa mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả. |
Có thể nói, những vở diễn tại chung khảo Liên hoan nghệ thuật sân khấu không chuyên Hà Nội năm nay đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc cho không ít khán giả. Người xem vừa bật cười sảng khoái đấy, nhưng rồi lại rưng rưng nước mắt, se sắt cõi lòng ở những cảnh tiếp sau.
Trong tiểu phẩm "Tri ân" của quận Đống Đa, tác giả Nguyễn Thanh Bình đã khéo léo "mượn" tình tiết gây cười để lên án thói hành dân, "ăn bớt" tiền công dùng vào mục đích riêng của một số cán bộ cấp xã, phường, thị trấn hiện nay. Khi bị phát hiện, họ vội đổ lỗi cho nhau. Đầu tư công phu, nội dung hấp dẫn, vở diễn "Hẹn ngày trở về" của quận Hoàng Mai đã tái hiện lịch sử hào hùng của quân và dân Thủ đô năm 1946 khiến nhiều khán giả bật khóc khi xem lại cảnh những chiến sĩ tự vệ Thủ đô đang độ tuổi thanh xuân bỏ lại người yêu, gia đình, bạn bè, "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Cổ vũ phong trào xây dựng nông thôn mới, vở kịch nói "Hiến đất mở đường" của huyện Thanh Trì lại đưa khán giả đến với câu chuyện rất thực tế hiện nay qua nhân vật ông Thương không chịu hiến 30m2 đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm trong khi các hộ xung quanh đã thực hiện. Câu chuyện tiếp nối qua cuộc trò chuyện giữa ông Thương với một người bạn đã khiến ông suy nghĩ lại. Nhận ra trách nhiệm công dân của mình, ông Thương đã đập tường rào, tạo mặt bằng cho đơn vị thi công mở rộng đường làng, ngõ xóm… Ngoài ra, nhiều vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay như: Tổ chức tiệc cưới phô trương, lãng phí khiến người dân phải chạy sô đám cưới để trả nợ miệng, tư tưởng trọng nam, khinh nữ phải có bằng được con trai. Thái độ coi trọng đồng tiền hơn giá trị đạo đức, lối sống… cũng được phản ánh trong các tác phẩm dự thi. Qua đó có thể thấy, nhiều tình huống, hoàn cảnh thật của cuộc sống đã được các tác giả khai thác để đưa lên sân khấu. Cũng nhờ những tình tiết chân thực này mà Liên hoan nghệ thuật sân khấu không chuyên Hà Nội năm 2013 không những hấp dẫn nhiều đối tượng khán giả mà còn góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng phát triển.
Anh Văn Hào, diễn viên vở "Tiếng kêu cứu" của huyện Từ Liêm chia sẻ: "Tôi rất vui khi được tham gia liên hoan. Đây là dịp để các diễn viên không chuyên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau". Dưới con mắt "nhà nghề", NSND Minh Hòa - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, giám khảo liên hoan, đánh giá: "Tôi thấy nhiều vở diễn rất tốt, nhiều diễn viên quần chúng đam mê diễn kịch, say sưa diễn khiến người xem có cảm giác họ là diễn viên chuyên nghiệp. Tôi cho rằng, phong trào này cần được khuyến khích phát triển tại các cơ quan, các ngành nghề khác, có như vậy phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng mới phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Thủ đô mới được nâng lên".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.