Trong chương trình kỳ họp thứ 14, chiều 18-3, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra TƯ đã tổ chức hội nghị thảo luận, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ủy viên BCT, Bí thư TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Ngô Văn Dụ chủ trì hội nghị.
Nhìn chung cán bộ, đảng viên cơ quan Ủy ban Kiểm tra TƯ nhất trí với kết cấu, các chương, điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Mặt khác, các ý kiến đều bày tỏ quan điểm, chính kiến, khẳng định Điều 4 Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng; về chức năng nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang (không phi chính trị hóa quân đội); về nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước (không tam quyền phân lập); về sở hữu toàn dân về đất đai; về giữ tên nước như trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tập thể Ủy ban Kiểm tra TƯ nhất trí nhận định Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có nhiều điểm mới, tiến bộ hơn so với Hiến pháp năm 1992, kế thừa và phát huy được giá trị của các bản Hiến pháp trước đó. Nội dung sửa đổi, bổ sung Dự thảo Hiến pháp năm 1992 đã cơ bản giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã bảo đảm là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài...
* Ngày 18-3, TAND Tối cao tổ chức hội nghị góp ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Dự thảo). Các nội dung về TAND quy định tại Chương VIII được các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý. Cơ bản tán thành với quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hệ thống TAND tại Điều 107, một số ý kiến đề nghị tách đoạn cuối khoản 1 Điều 107 thành một khoản riêng quy định về tổ chức hệ thống TAND. Đồng thời làm rõ nội hàm "quyền tư pháp", "hoạt động tư pháp", "cơ quan tư pháp" để thuận lợi khi thực hiện. Các ý kiến đề nghị nếu quy định tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp thì nên mở rộng quyền tư pháp của tòa án trong việc hạn chế một số quyền của công dân như bắt tạm giam, tạm giữ, khám xét…
* Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt đã tham dự hội nghị cán bộ, công chức cơ quan Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hà Nội lấy ý kiến, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Quan tâm các nội dung liên quan tới Chương IX về chính quyền địa phương, các ý kiến đề xuất Hiến pháp chỉ nên quy định một cách tổng quát về phân chia đơn vị hành chính, còn những vấn đề về tổ chức, thẩm quyền của từng cấp chính quyền địa phương sẽ do luật định để phù hợp với nhu cầu quản lý, xây dựng và phát triển đất nước trong cùng thời kỳ.
Đặt vấn đề, Dự thảo quy định UBND là cơ quan chấp hành của HĐND nhưng lại không quy định UBND do HĐND bầu như Hiến pháp 1992, nhiều ý kiến đề nghị trước khi hiến định vấn đề này nên tổng kết đánh giá việc thí điểm bỏ HĐND thời gian qua. Đồng thời, để có cơ sở xây dựng luật tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND, một số ý kiến đề nghị bổ sung vào Hiến pháp quy định "trong trường hợp cần thiết HĐND lập Ban lâm thời để điều tra về một số vấn đề nhất định ở địa phương" vào khoản 1 Điều 116.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.