(HNM) - Không nằm ngoài dự đoán, đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền tiếp tục giành được đa số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga khóa VII được tổ chức ngày 17, 18-9. Đây là kỳ bầu cử đầu tiên kể từ khi nước Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Sự kiện đảng Nước Nga thống nhất của Tổng thống Vladimir Putin giành thắng lợi cho thấy, bất chấp tình hình kinh tế đất nước gặp khó khăn, cử tri Nga vẫn đặt lòng tin vào Tổng thống đương nhiệm với mong muốn duy trì sự ổn định.
Tổng thống Nga V.Putin tham gia bỏ phiếu bầu cử Duma Quốc gia. |
Với 93% số phiếu đã được kiểm, đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền đã giành được 54,27% số phiếu ủng hộ, bỏ xa đảng về thứ hai là Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) được 13,46%, đảng Dân chủ - Tự do Nga (LDPR) là 13,25% và đảng Nước Nga công bằng (SR) được 6,17%. Không có đảng mới nào vượt qua tỷ lệ 5% để có đại diện trong Duma Quốc gia Nga khóa VII. Với số phiếu này, đảng Nước Nga thống nhất dẫn đầu tại 203 trong 225 khu vực bầu cử một đại biểu và chắc chắn giành được ít nhất 338 ghế trong Quốc hội gồm 450 thành viên.
Sở dĩ, cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga khóa VII được ví là “phép thử lòng tin” của cử tri với đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền cũng như cá nhân Tổng thống V.Putin là vì xứ sở Bạch dương đang phải chống chọi với tình trạng nền kinh tế bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng nghiêm trọng. Giá dầu lao dốc cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine khiến “bức tranh” kinh tế Nga khá ảm đạm. Năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 3,7% và dự báo sẽ còn giảm thêm 1,9% trong năm nay, trước khi có thể dần phục hồi từ năm 2017. Cơ quan Thống kê Liên bang Nga (Rostat) cho biết, trong quý I-2016, số người có thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu đã tăng lên tới 22,7 triệu người, cao hơn nhiều so với 14,4 triệu người trong cùng kỳ năm ngoái. Theo giới chuyên gia, trong giai đoạn 2014-2017, Nga mất khoảng 600 tỷ USD.
Nhằm nhanh chóng vực dậy nước Nga, Tổng thống V.Putin đã vạch ra nhiều kế hoạch hữu hiệu để cải tổ nền kinh tế. Kết quả là thời gian gần đây, những tín hiệu tích cực đã được phát đi qua những chỉ số khả quan. Nói một cách cụ thể hơn, việc áp đặt trừng phạt của phương Tây, trên thực tế đã làm suy yếu một số ngành của Nga, song lại tạo điều kiện cho nước này tập trung phát triển những lĩnh vực khác. Chẳng hạn, trong khi ngành công nghiệp Nga suy giảm gần 3,3% trong năm 2015, thì ngược lại nông nghiệp nước này lại tăng trưởng 3% trong cùng thời kỳ. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu lúa mỳ của Nga đã tăng lên 23,5 triệu tấn, tăng nhanh hơn cả Mỹ và Canada. Như vậy, Nga đã vượt Mỹ để trở thành nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, mở đường cho các ngành trồng trọt khác của Nga, như ngô, lúa, đậu nành và kiều mạch cùng phát triển. Ngoài ra, việc Mátxcơva gia tăng đầu tư vào ngân sách quốc phòng, ở khía cạnh nào đó lại có lợi cho kinh tế Nga. Gia tăng chi tiêu quân sự và quốc phòng như sản xuất tàu, máy bay, tàu vũ trụ và các phương tiện vận tải khác đã thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Nga phát triển, góp phần tích cực vào cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP. Theo Bộ Phát triển kinh tế Nga, GDP của nước này dự kiến tăng trưởng 4% - 4,5%/năm, bắt đầu từ năm 2019. Nhiều chuyên gia phân tích độc lập cũng đã đưa ra các dự báo tích cực với nền kinh tế Nga và cho rằng quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất.
Có điều, để đối phó với những khó khăn về kinh tế, Chính phủ Nga buộc phải liên tục cắt giảm chi tiêu công, giảm các khoản trợ cấp xã hội khiến đời sống của người dân sẽ khó khăn thêm. Trong khi đó, tỷ
lệ thất nghiệp cao, thu nhập thực tế của người dân giảm mạnh, số người nghèo khó tiếp tục tăng sẽ là nguyên nhân đe dọa tỷ lệ ủng hộ đảng Nước Nga thống nhất hậu bầu cử. Tuy nhiên, kết quả vừa giành được vẫn là một lợi thế đáng kể cho Tổng thống V.Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2018, dù ông vẫn chưa xác nhận sẽ ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa hay không sau 17 năm nắm quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.