AFP dẫn dữ liệu chính thức từ cơ quan thống kê Rosstat cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga đã chậm lại trong quý II-2024, trong bối cảnh lo ngại về lạm phát dai dẳng và cảnh báo về tình trạng kinh tế đang có dấu hiệu "quá nóng".
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm từ 5,4% trong quý đầu tiên xuống còn 4% từ tháng 4 đến tháng 6, là kết quả thấp nhất kể từ đầu năm 2023 nhưng vẫn là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang mở rộng.
Trong khi đó, lạm phát không có dấu hiệu giảm bớt, với giá tiêu dùng tăng 9,13% vào tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 8,59% vào tháng 6 và là con số cao nhất kể từ tháng 2-2023, theo dữ liệu từ Rosstat.
Điện Kremlin đã quân sự hóa mạnh mẽ nền kinh tế Nga kể từ khi thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022, chi số tiền lớn cho sản xuất vũ khí và trả lương cho quân nhân.
Sự bùng nổ chi tiêu đó đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp Điện Kremlin đảo ngược dự đoán ban đầu về suy thoái khi phải chịu lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây vào năm 2022.
Nhưng điều này lại khiến lạm phát trong nước tăng vọt, buộc ngân hàng trung ương phải tăng chi phí đi vay.
Ngân hàng trung ương đã mạnh tay tăng lãi suất nhằm mục đích hạ nhiệt tình hình mà cơ quan này cảnh báo là nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức không bền vững do chi tiêu của chính phủ tăng mạnh cho cuộc xung đột ở Ukraine. Ngân hàng đã tăng lãi suất chủ chốt lên 18% vào tháng trước - mức cao nhất kể từ lần tăng lãi suất khẩn cấp vào tháng 2-2022 lên 20%.
Thống đốc ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết nền kinh tế đang có dấu hiệu "quá nóng" và chỉ ra những khó khăn trong thanh toán quốc tế - tác động của lệnh trừng phạt của phương Tây là một yếu tố khác dẫn đến lạm phát.
Theo Tổng thống Vladimir Putin, Nga dự kiến sẽ chi gần 9% GDP cho quốc phòng và an ninh trong năm nay, một con số chưa từng có kể từ thời Liên Xô.
Trong khi đó, ngân sách liên bang của Mátxcơva đã tăng gần 50% trong ba năm qua - từ 24,8 nghìn tỷ rúp vào năm 2021, lên mức dự kiến là 36,6 nghìn tỷ rúp (427 tỷ USD) trong năm nay.
Vì phần lớn chi tiêu do nhà nước điều tiết nên các nhà phân tích lo ngại rằng việc tăng lãi suất có thể không phải là công cụ hiệu quả để chống lại lạm phát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.