Thế giới

Kinh tế Nga tăng trưởng tích cực: Vững vàng vượt sóng gió

Hoàng Linh 14/02/2024 - 08:36

Bất chấp vô vàn khó khăn đến từ cuộc xung đột tại Ukraine và hàng loạt lệnh cấm vận của phương Tây, nền kinh tế Nga vẫn có những bước tiến vững vàng với thành tựu hết sức cụ thể, đặc biệt là mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 3,6%.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, thành tựu này đến từ chính nội lực của xứ Bạch dương.

kinh-te-nga.jpg
Nền kinh tế Nga có những bước tiến vững vàng với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 3,6%.

Theo truyền thông quốc tế, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12-2 đã có phát biểu, xác nhận nhiều dự báo trước đó về tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nga trong năm 2023, khi tiết lộ con số 3,6%, vượt mức trung bình trên thế giới.

Ông chủ Điện Kremlin cũng lưu ý tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên toàn cầu là 3%, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển là 1,5%. Một báo cáo khác của Rosstat (Tổng cục Thống kê Liên bang Nga) cũng nhấn mạnh, con số tăng trưởng của năm qua là mức cao nhất trong thập kỷ (ngoại trừ tốc độ phục hồi sau dịch Covid-19 được ghi nhận hồi năm 2021).

Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ, tốc độ tăng trưởng hai con số của năm 2023 đạt được trong nhiều lĩnh vực, như: Sản xuất máy tính, máy bay, tàu thủy, đồ nội thất, thiết bị điện và phương tiện đi lại. Cùng với đó khối lượng sản xuất công nghiệp của Nga đã tăng 3,5% so với năm trước, trong khi ngành chế biến tăng thêm 7,5%. Hoạt động đầu tư cũng tăng vượt kỳ vọng. Tỷ lệ thất nghiệp của Nga thấp nhất mọi thời đại...

Lý giải sức tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế Nga trong năm 2023, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, một động lực quan trọng là chi tiêu nhà nước ở mức kỷ lục 32 nghìn tỷ rúp (tương đương 346 tỷ USD), với phần lớn dành cho quốc phòng. Khoản chi tiêu này được dự báo sẽ còn tăng trong năm nay, dự kiến là 36,5 nghìn tỷ rúp (395 tỷ USD), trong đó hơn một phần ba sẽ dành cho các khoản thanh toán thời chiến khác nhau. Bên cạnh đó, việc Mátxcơva đặt nền kinh tế trong tình trạng chiến tranh khiến sản xuất công nghiệp và chỉ số mua hàng (PMI) tăng vọt. Lĩnh vực sản xuất được thúc đẩy bởi hoạt động quân sự, qua đó góp phần mở rộng các ngành công nghiệp như kỹ thuật, hóa học và luyện kim.

Dĩ nhiên, cũng không thể không nhắc tới những nỗ lực của Nga trong việc triển khai các biện pháp tránh tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhóm biện pháp này thậm chí được đánh giá là đã “vô hiệu hóa” lệnh trừng phạt dầu mỏ và công nghệ. Theo tờ Financial Times (Anh), “không một thùng dầu nào của Nga được bán ở mức dưới mức trần 60 USD". Điện Kremlin cũng xây dựng được mạng lưới kinh tế đa quốc gia với Trung Quốc và các thành viên trong thế giới không liên kết, cũng như Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế cũng là lý do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo đầu tiên của năm 2024 đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng của Nga lên 2,6% trong năm nay. Đây là con số cao hơn gấp đôi so với mức 1,1% tổ chức này đưa ra hồi tháng 10-2023. Theo Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Quỹ Tiền tệ quốc tế Gita Gopinath, nền kinh tế Nga đang phát triển tốt hơn dự kiến. Chuyên gia này cũng tiết lộ, IMF trong năm 2023 đã bị chỉ trích khi dự báo sai triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Nga.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến chỉ ra những rủi ro đối với nền kinh tế Nga như tình trạng trì trệ được dự báo về dài hạn. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvia Nabiullina lo lắng, tiềm năng tăng trưởng của nước này đã giảm từ 1 đến 2% trước xung đột xuống còn khoảng 0,3-0,5% hiện nay. Cùng với đó, lạm phát tăng mạnh và thị trường lao động thắt chặt có thể tạo ra những tác động tiêu cực với tăng trưởng. Nga đã tăng lãi suất cơ bản lần thứ tư trong năm 2023 lên 16% vào ngày 14-12-2023. Giới quan sát cũng chỉ ra 3 thách thức mà nền kinh tế xứ Bạch dương đối mặt, gồm ngân sách cho xung đột Ukraine; duy trì mức sống của công dân và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Mâu thuẫn nằm ở việc mục tiêu thứ nhất và thứ hai đòi hỏi chi tiêu cao, đồng nghĩa thúc đẩy lạm phát và cản trở mục tiêu thứ ba. Tuy nhiên, các quan điểm cũng thừa nhận Mátxcơva có đủ nguồn lực dự trữ để duy trì “sức khỏe” nền kinh tế trong ít nhất 3 năm hoặc hơn.

Có thể khẳng định, trạng thái ổn định của nền kinh tế Nga lúc này là minh chứng cho thấy chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin đã có sự chuẩn bị từ trước đó rất lâu, đồng thời đã, đang thực hiện rất tốt công tác lãnh đạo, điều hành. Chính những yếu tố này đã giúp Mátxcơva có khả năng theo đuổi chính sách kinh tế độc lập bất chấp áp lực bên ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Nga tăng trưởng tích cực: Vững vàng vượt sóng gió

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.