(HNM) - Để giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập, năm 2012 UBND TP Hà Nội đã triển khai đề án phát triển cây ăn quả đặc sản Hà Nội.
Nhãn chín muộn trồng chủ yếu tại huyện Quốc Oai và Hoài Đức trở thành cây ăn quả chủ lực của Hà Nội. |
Hiệu quả kinh tế cao
Với người dân xã Kim An, huyện Thanh Oai, cây cam Canh thực sự trở thành cây làm giàu cho nông dân. Đặc biệt, từ khi được Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội hỗ trợ về kỹ thuật thâm canh, cây cam Canh ngày càng tăng nhanh về diện tích và sản lượng. Ông Đỗ Hùng Cường - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Kim An cho biết: Hiện toàn xã có khoảng 70ha trồng cam Canh, năm 2015, sản lượng cam của xã khoảng 900 tấn, đạt doanh thu hơn 50 tỷ đồng. So với các cây trồng khác, cam Canh mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nông dân với giá trị canh tác trung bình 700 - 800 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những hộ đạt gần 3 tỷ đồng/ha.
Cũng như cam Canh, nhãn chín muộn cũng trở thành cây ăn quả chủ lực của Hà Nội. Nhãn chín muộn trồng chủ yếu tại huyện Quốc Oai và Hoài Đức với diện tích lên tới trên 400ha. Ông Trần Văn Bảy ở thôn Ba Lương, xã Song Phượng cho biết: “Trang trại của ông trồng 2.000 cây nhãn chín muộn được 6-7 năm tuổi đã cho quả vụ thứ ba. Vụ thu hoạch vừa qua, giá nhãn từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg, doanh thu đạt khoảng 700 - 800 triệu đồng/ha, tính ra lãi gấp 7-8 lần trồng lúa”. Hiện nhãn chín muộn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể. Đặc biệt, vừa qua nhãn chín muộn đã được Bộ NN&PTNT tiến hành gửi mẫu phân tích các chỉ số chất lượng an toàn, dự kiến năm nay sẽ xuất khẩu sang Mỹ.
Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết: Trong 5 năm (2011-2015) thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả đặc sản, Trung tâm đã mở rộng mô hình trồng mới, thâm canh được 1.398ha cây ăn quả các loại (bưởi, cam Canh, nhãn, chuối tiêu hồng nuôi cấy mô, đu đủ); tốc độ phát triển các vùng trồng cây ăn quả hằng năm tăng 1,2 - 1,5 lần; quy mô tăng 130% so với kế hoạch. Về hiệu quả, bà Hòa khẳng định: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng là những cây ăn quả chủ lực nằm trong Đề án phát triển cây ăn quả đặc sản Hà Nội. Trải qua 4 năm thực hiện, các loại cây ăn quả này đã trở thành cây làm giàu của nhiều hộ nông dân. Nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú nhờ bưởi Diễn, cam Canh, nhãn chín muộn.
Đẩy mạnh liên kết
Để nâng cao chất lượng cây ăn quả, hằng năm Trung tâm Phát triển cây trồng đều phối hợp với các viện, trường đại học để tư vấn, giúp đỡ nông dân triển khai hiệu quả các mô hình. Thông qua các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật nông dân đã nắm được những kỹ thuật cơ bản như: Chăm sóc cho cây ra hoa, đậu quả, cách bảo quản quả… Từ việc nhân rộng các mô hình, Trung tâm đã xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể gồm: Nhãn hiệu bưởi đường Quế Dương, nhãn hiệu cam Canh Kim An, nhãn hiệu bưởi Phúc Thọ, nhãn hiệu bưởi Chương Mỹ, nhãn hiệu phật thủ Đắc Sở (Hoài Đức). Ngoài ra Trung tâm còn phối hợp cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP cho 30ha nhãn chín muộn, 27ha bưởi Diễn. Dự kiến, trong năm nay, Trung tâm tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất cây ăn quả chất lượng với diện tích khoảng 63ha. Trong đó, mô hình thâm canh bưởi VietGAP trên diện tích 20ha; mô hình thâm canh cam Canh theo VietGAP 18ha; mô hình thâm canh nhãn chín muộn VietGAP 25ha.
Bà Hoàng Thị Hòa cho biết thêm: Mặc dù đã có nhãn hiệu nhưng hầu hết các sản phẩm đều được thu mua qua thương lái làm giảm hiệu quả. Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) đề nghị: Để cây ăn quả phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần có chiến lược xây dựng thị trường cho chuỗi sản phẩm này. Còn theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội: Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh liên kết các vùng sản xuất với doanh nghiệp. Bước đầu Trung tâm sẽ là cầu nối để doanh nghiệp đến được với nông dân. Hiện Trung tâm đã xây dựng chiến lược quảng bá, giới thiệu để đưa hàng vào các siêu thị, nhà hàng. Tuy nhiên, Hà Nội cần siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm, tiến tới hình thành vùng quả chất lượng để cung cấp cho thị trường cả nước và tiến tới xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.