(HNM) - Cải cách thủ tục hành chính được các chuyên gia đánh giá là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này càng đúng khi nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Thực tế, nền kinh tế Việt Nam đi qua 9 tháng năm 2022 với sự bứt phá rất lớn, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên thế giới hậu đại dịch Covid-19 về tăng trưởng kinh tế. Đóng góp vào kết quả đó là hàng loạt các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, khai thông thị trường; là nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Trong đó, đà cải cách thủ tục hành chính từ nhiều năm trước đã tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn, tạo ra các cơ hội và điều kiện để doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, áp lực lạm phát cũng như bất ổn của kinh tế thế giới đang ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế trong nước. Vốn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu là 2 lĩnh vực chịu tác động trước hết. Lãi suất và tỷ giá USD tăng khiến chi phí sản xuất tăng, tác động bất lợi đến sản xuất, đầu tư, tiêu dùng. Dưới tác động của lạm phát, chính sách tiền tệ không còn dư địa hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, chỉ còn chính sách tài khóa (khoảng 238.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023), song nhìn tổng thể, chính sách này cũng sẽ tập trung vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên chống lạm phát. Vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh càng cấp bách hơn bao giờ hết.
Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được triển khai sâu rộng, tập trung vào cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, tăng cường phân cấp giải quyết thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành. Song bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, như tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát để tháo gỡ các rào cản về thể chế tại một số nơi còn chậm. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết dứt điểm. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà (nhất là liên quan đến đất đai, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu…). Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức; nhiều bộ, ngành chưa có phương án cải cách quy định kinh doanh...
Chủ trì phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo, đã yêu cầu các cấp, ngành xác định cải cách thủ tục hành chính là khâu quan trọng, đột phá, phải được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, trên cơ sở quan điểm đầu tư cho cải cách thủ tục hành chính là đầu tư cho phát triển. Đây là việc khó khăn, phức tạp nhưng khó mấy cũng phải làm. Nếu không làm sẽ cản trở sự phát triển, các khó khăn không được tháo gỡ dẫn đến khó vượt qua thách thức.
Rõ ràng, để làm được điều đó, người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương phải quyết liệt thúc đẩy cải cách hành chính, bố trí đủ nguồn lực, có kiểm tra, đánh giá từng tháng, từng quý, kịp thời chỉ đạo giải quyết vấn đề từ thực tiễn. Nhiệm vụ trước mắt là khẩn trương triển khai các giải pháp trọng tâm, trong đó hoàn thành ngay các phương án cắt giảm, đơn giản quy định liên quan đến kinh doanh đã được Thủ tướng phê duyệt, cập nhật và công khai đầy đủ để doanh nghiệp, người dân biết. Dư địa cải cách thể chế còn nhiều và cần phải làm nhanh để biến nó thành động lực cho tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn đang bủa vây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.