Bất động sản

Văn phòng đăng ký đất đai thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, chính quyền điện tử

Bạch Thanh 15/12/2023 - 17:42

Ngày 15-12, tại Vĩnh Phúc, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến về tổng kết Văn phòng Đăng ký đất đai năm 2023.

bo-tntmt.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai Phạm Ngô Hiếu cho biết: Đến nay, cả nước có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường với 678 chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trên phạm vi 705 đơn vị hành chính cấp huyện; còn lại 2 tỉnh chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai là Quảng Ninh và Phú Thọ. Quá trình triển khai thực hiện trong thực tiễn cho thấy, việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thúc đẩy thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phát triển chính quyền điện tử.

Điển hình: Giảm được 16 thủ tục hành chính, còn 32 thủ tục, đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai; thời gian làm thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận giảm từ 5 - 25 ngày so với trước đây; thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai bảo đảm đạt 90-95% so với quy định; nguồn thu bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, phí, lệ phí do Văn phòng đăng ký đất đai trực tiếp thu hoặc chuyển cơ quan Thuế, Kho bạc Nhà nước để thu theo quy định.

Tuy nhiên, Văn phòng đăng ký đất đai trong quá trình hoạt động cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Pháp luật chưa có độ mở tạo tính linh hoạt, chủ động, phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương, từng thời điểm để quy định cơ cấu tổ chức. Nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư hoặc chưa có cơ chế tạo nguồn thu phù hợp, việc thu chủ yếu qua phí, lệ phí, trong khi nhiều khoản thu được miễn, giảm cho người sử dụng đất nhưng không có cơ chế bù đắp. Trong khi đó, Văn phòng đăng ký đất đai hoạt động theo cơ chế tự chủ, cơ chế giá chưa được áp dụng rộng rãi tại các tỉnh dẫn đến khó khăn trong hoạt động. Cơ sở dữ liệu địa chính chưa hoàn thiện, đồng bộ, tích hợp, chia sẻ đầy đủ nên việc luân chuyển hồ sơ gặp nhiều khó khăn...

bo-tntmt1.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về cơ cấu tổ chức, cơ sở làm việc, việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận; đo đạc, lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho hoạt động của các Văn phòng, qua đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng, cần có các giải pháp hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện để hệ thống Văn phòng xứng đáng với vai trò là đơn vị sự nghiệp, đóng góp quan trọng vào công tác quản lý nhà nước về đất đai. Để Văn phòng Đăng ký đất đai hoạt động tốt, cần bảo đảm nhiều nội dung công tác quản lý nhà nước trong Luật Đất đai 2013 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất (công tác thống kê, kiểm kê; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; cải cách thủ tục hành chính đất đai)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn phòng đăng ký đất đai thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, chính quyền điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.