(HNM) - Với hai nhiệm vụ chính là chăm sóc, giáo dục trẻ, công việc của giáo viên mầm non được cho là căng thẳng nhất trong các cấp học. Thế nhưng, từ năm 2005 đến nay, giáo viên mầm non có trình độ đào tạo trên chuẩn vẫn không được hưởng lương theo bằng cấp đào tạo.
Hướng dẫn bé học tô màu tại Trường Mầm non A, xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì). Ảnh: Anh Tuấn |
Áp lực nhiều, thu nhập ít
Chứng kiến một ngày làm việc của cô giáo Đỗ Thị Toàn, giáo viên Trường Mầm non Minh Khai (xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội), mới cảm nhận rõ về sự vất vả của giáo viên mầm non khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Có mặt ở lớp từ 6h30 phút sáng mỗi ngày với hàng loạt công việc lặp đi lặp lại như vệ sinh lớp học, rà soát đồ dùng, đồ chơi, đón trẻ, triển khai các hoạt động của một ngày chăm sóc, giáo dục trẻ…, đến 17h30 thì cô giáo Đỗ Thị Toàn cơ bản xong việc. Nhưng cũng có những ngày phụ huynh quên đón trẻ, hoặc vào những ngày chuẩn bị khai giảng năm học mới, cô giáo Đỗ Thị Toàn phải ở lại trường đến tận 18h30 - 19h. Vất vả, áp lực là vậy nhưng 6 năm nay, thu nhập hằng tháng của cô vẫn chỉ ở mức 4 triệu đồng.
Dù có thâm niên gần 30 năm gắn bó với trẻ nhưng thu nhập từ nghề giáo viên mầm non vẫn luôn khiến cô giáo Hoàng Thị Hoa và nhiều đồng nghiệp ở Trường Mẫu giáo số 5 (quận Ba Đình) không khỏi chạnh lòng mỗi khi năm học mới bắt đầu. Thời gian làm việc mỗi ngày luôn kéo dài khoảng 10 giờ, nhiệm vụ không chỉ là cho trẻ ăn, ngủ, học, các cô còn phải tranh thủ giờ nghỉ trưa để chuẩn bị đồ dùng dạy học, nhiều khi tối muộn về nhà vẫn còn phải soạn giáo án, làm đồ dùng, đồ chơi, vẽ tranh…
Thực tế cho thấy yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục mầm non ngày càng đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, chịu nhiều áp lực, nhưng mức lương của giáo viên mầm non còn rất hạn chế. “So với các ngành học khác, giáo viên mầm non chịu nhiều vất vả, thiệt thòi nhất. Trong khi các ngành học khác, giáo viên được hưởng lương theo trình độ đào tạo, còn chúng tôi, dù có bằng đại học hoặc cao đẳng nhưng cũng chỉ được xếp lương ở bậc trung cấp” - cô giáo Hoàng Thị Hoa chia sẻ.
Có thể dẫn chứng thêm về trường hợp của cô giáo Đinh Thị Xuân Thúy (Trường Mẫu giáo số 5, quận Ba Đình, Hà Nội) để hiểu thêm về nỗi vất vả của giáo viên mầm non. Với 6 năm trong nghề, cô Thúy có tổng thu nhập 4 triệu đồng/tháng, trong đó có 3,5 triệu tiền lương và 500 nghìn đồng do nhà trường hỗ trợ. Mức lương này so với nhu cầu thực tế đòi hỏi giáo viên phải khéo xoay xở thì mới có thể bảo đảm cuộc sống, nhất là khi sống tại khu vực nội thành.
“Đòn bẩy” nhiệt huyết
Thực tế trên không phải chỉ diễn ra ở Hà Nội. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2017-2018, cả nước có hơn 14.500 trường mầm non với gần 317 nghìn giáo viên, trong đó Hà Nội có 1.040 trường mầm non. Theo Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ, từ năm 2005, giáo viên mầm non được xếp theo ba ngạch, trong đó, người có bằng trung cấp được xếp ngạch giáo viên mầm non, có bằng cao đẳng được xếp ngạch giáo viên mầm non chính, có bằng đại học được xếp ngạch giáo viên mầm non cao cấp. Quyết định này giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức làm căn cứ để các địa phương thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ viên chức.
Tuy nhiên, việc này hiện vẫn chưa được triển khai, nên mỗi nơi thực hiện một kiểu, nơi thì xếp ngạch theo bằng cấp, nơi lại không. Vậy nên mới có tình trạng dù được đào tạo trình độ đại học nhưng hầu hết giáo viên mầm non mới ra trường vẫn chỉ được xếp lương ở bậc đào tạo trung cấp, với mức khởi điểm là 1,86.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT quy định về việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành vào tháng 8-2017 đã mở ra nhiều cơ hội phát triển đối với đội ngũ giáo viên mầm non khi họ có cơ hội được xếp lương theo đúng trình độ đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức thi thăng hạng cho từng đối tượng giáo viên, vừa để họ hoàn thiện trình độ, vừa tạo cơ hội để đội ngũ này phát triển sự nghiệp, nâng mức thu nhập. Những âu lo, thiệt thòi của đội ngũ giáo viên mầm non từ trước tới nay có lẽ sẽ dần được giải quyết, tạo động lực cho họ cống hiến.
Tuy nhiên, để việc thi thăng hạng thực sự là “đòn bẩy” nhiệt huyết, phù hợp với điều kiện thực tế về trình độ, năng lực và công việc của giáo viên mầm non hiện nay, bà Nguyễn Huỳnh Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo số 5 (quận Ba Đình) cho rằng, giáo viên mầm non cần có quy định đặc thù khác với các cấp học khác. Quy định mới đặt ra yêu cầu với giáo viên, là nếu muốn được nâng hạng thì phải có trình độ, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ ở một mức độ nhất định.
“Thời gian làm việc của giáo viên mầm non trung bình là 10 giờ/ngày, khi ở lớp luôn phải tập trung cao độ bởi bất cứ sự lơ là nào cũng dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ; về nhà lại phải tranh thủ làm đồ dùng, đồ chơi. Rõ ràng, thời gian học thêm của họ là vô cùng hạn chế. Tôi cho rằng yêu cầu về trình độ tin học, ngoại ngữ chỉ nên bắt buộc với giáo viên mới ra trường; với những người gắn bó nhiều năm với nghề thì cần có cơ chế đặc thù để họ có nguồn thu nhập xứng đáng, tạo động lực để đội ngũ này tiếp tục cống hiến” - bà Nguyễn Huỳnh Thu Cúc nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.