(HNM) - Trong suốt chặng đường 50 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày càng khẳng định vai trò và vị thế quan trọng trên trường quốc tế.
Ngày 28-7-1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 diễn ra tại Brunei, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Với sự gia nhập của Việt Nam, con đường bảo đảm hòa bình và hòa hợp tại khu vực, vốn từng bị chia rẽ sâu sắc bởi chiến tranh, đã rộng mở. Cam kết của Việt Nam với Hiệp hội đã được thể hiện ngay từ khi tham gia ASEAN, trong suốt quá trình hội nhập và trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, an ninh…
Việt Nam đã và đang nỗ lực đóng góp vào sự phát triển chung của ASEAN. |
3 năm sau khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á đang đặt ra những vấn đề cấp bách, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 được tổ chức tại Hà Nội vào năm 1998 đã nêu bật giải pháp đối với các điều kiện kinh tế dễ bị tổn thương của khu vực. Đặc biệt, ASEAN đã thông qua Kế hoạch hành động Hà Nội, trong đó có ý tưởng của Việt Nam nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong tiểu vùng, để lại dấu ấn tốt đẹp tại khu vực.
Việt Nam cũng đã có những nỗ lực không ngừng trong việc bảo đảm an ninh chung. Không lâu sau khi là thành viên ASEAN, Việt Nam đã ký kết Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và là một trong những nước sáng lập Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Những nỗ lực ổn định khu vực xoay quanh việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông, trong đó nổi bật là Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng đang được Việt Nam cùng các nước thành viên tích cực xây dựng, thực hiện.
Cộng đồng quốc tế nhìn nhận, Việt Nam là ví dụ điển hình về một thành viên có khả năng cam kết và hiện thực hóa các mục tiêu của ASEAN. Một trong những kết quả nổi bật là vai trò Chủ tịch ASEAN được Việt Nam thể hiện xuất sắc trong năm 2010 - năm bản lề trong kế hoạch 5 năm thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, đưa Hiến chương ASEAN vào đời sống khu vực.
Gia nhập ngôi nhà chung ASEAN cũng đem lại ý nghĩa quan trọng về xã hội, chính trị, kinh tế và an ninh đối với Việt Nam. Tư cách thành viên của Hiệp hội giúp Việt Nam tích hợp an ninh quốc gia với toàn bộ khu vực Đông Nam Á và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, nâng cao lợi thế trong mối quan hệ với các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc.
Hơn 20% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là từ các thành viên ASEAN, trong đó Singapore là nhà đầu tư lớn nhất. ASEAN cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 3,13 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2017, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Với sự năng động, ASEAN tạo không gian mở cho các quốc gia nhỏ hơn hợp nhất, thiết lập các mối quan hệ mới và củng cố quan hệ hiện có trên cơ sở cùng có lợi. Nhờ đó, Việt Nam đã có những bước đi tích cực, tăng cường quan hệ với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng các đối tác quan trọng khác gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) và Australia.
Những thành công qua nửa thế kỷ phát triển chứng minh giá trị của ASEAN như một cầu nối trong kiến trúc khu vực đang dần định hình. Trong đó, dấu ấn Việt Nam đã được khắc ghi đầy tự hào với những đóng góp mang tính xây dựng, có trách nhiệm vào các hoạt động, sáng kiến của ASEAN vì sự thịnh vượng và vị thế của Hiệp hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.