Bạn đọc

Đóng cửa mỏ khai thác đá tại huyện Quốc Oai: Vẫn “giậm chân tại chỗ”

Thiện Mỹ 10/08/2023 - 06:30

Nhiều năm nay, cử tri huyện Quốc Oai liên tục đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp buộc 5 chủ mỏ khai thác đá đã hết thời hạn hoạt động đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường... Mặc dù cơ quan chức năng, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo, nhưng mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”...

quoc-oai.jpg
Khu vực mỏ đá đã dừng khai thác tại xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) trở thành hồ nước sâu, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Kiến nghị xác đáng

Luật Khoáng sản quy định, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có nghĩa vụ đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, đất đai khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực và trong thời hạn 6 tháng, chủ mỏ phải thực hiện nghĩa vụ liên quan đến đóng cửa mỏ, cải tạo, hoàn thổ...

Tuy nhiên, có nghịch lý là ở huyện Quốc Oai đang có đến 5 doanh nghiệp đã hết thời hạn khai thác khoáng sản từ 4 đến 10 năm, nhưng không thực hiện nghĩa vụ nêu trên. Đó là: Công ty cổ phần Xây dựng sản xuất thương mại Hà Tây, Công ty TNHH Bình Minh, Công ty TNHH Đầu tư khai thác khoáng sản Sotraco, Công ty cổ phần Vimeco, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng khai thác mỏ Thuận Phát. Các mỏ nằm trên địa bàn các xã: Hòa Thạch, Phú Mãn, Đông Xuân; được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép.

Mục sở thị của phóng viên Báo Hànộimới những ngày cuối tháng 7-2023 tại khu vực khai thác của Công ty TNHH Bình Minh (xã Đông Xuân) cho thấy, cả khu vực lớn bị khoét sâu; quanh đó, còn một số nhà bảo vệ, kho mìn... Trưởng thôn Đồng Âm, xã Đông Xuân Tạ Ngọc Thắng lo lắng: "Đất đai không được hoàn thổ, nhiều hố sâu làm ảnh hưởng đến việc chăn thả gia súc, trồng trọt của người dân. Tiếc nhất là đất để hoang hóa...".

Tương tự, tại khu vực mỏ đã dừng khai thác của Công ty cổ phần Vimeco (xã Phú Mãn), xuất hiện diện tích rộng hàng nghìn mét vuông, sâu 40-50m nằm ngay dưới chân núi đá, xung quanh chăng dây thép gai và cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Tận mắt chứng kiến thực trạng trên mới thấu hiểu, vì sao cử tri lại kiên trì kiến nghị các chủ mỏ phải hoàn thổ suốt nhiều năm qua. Bởi, chỉ người dân và chính quyền sở tại mới đang trực tiếp phải chịu những thiệt thòi từ việc chủ mỏ không phục hồi môi trường.

Không để doanh nghiệp "nhờn luật"

Thừa nhận thực trạng trên, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Ngà thông tin, nhiều năm qua, lãnh đạo, người dân các xã: Đông Xuân, Phú Mãn, Hòa Thạch liên tục kiến nghị cấp thẩm quyền buộc các chủ mỏ phải hoàn thổ, để địa phương có đất sản xuất, canh tác. Cùng với đó, huyện liên tục yêu cầu các chủ mỏ thực hiện quy định đóng cửa mỏ. Ngày 19-7 vừa qua, UBND huyện tổ chức buổi làm việc với các chủ mỏ, nhưng chỉ 2 đơn vị đến dự; 3 đơn vị còn lại không dự, cũng không có lý do (?).

“Đã nhiều lần UBND huyện Quốc Oai mời các chủ mỏ về làm việc, nhưng doanh nghiệp đều trốn tránh. Trong khi đó lại có đến 3/5 chủ mỏ mong muốn được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang khu sinh thái; riêng Công ty TNHH Bình Minh đề nghị được gia hạn tiếp tục khai thác khoáng sản. Song, UBND huyện Quốc Oai đã kiên quyết đề nghị UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường không gia hạn” - bà Nguyễn Thị Ngà cho biết thêm.

Trước sự chây ỳ của doanh nghiệp, UBND huyện Quốc Oai nhiều lần báo cáo, đề nghị thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các đơn vị lập đề án đóng cửa mỏ và có biện pháp xử lý các đơn vị không thực hiện nghĩa vụ. Gần đây, ngày 31-5-2023, UBND huyện cũng tiếp tục đề nghị nội dung này.

Với đề nghị trên, Văn phòng UBND thành phố có Văn bản 7093/VP-TNMT, ngày 27-6 với nội dung: “Giao Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn huyện Quốc Oai thực hiện theo đúng quy định pháp luật”. Theo chỉ đạo này, ngày 6-7, Sở Tài nguyên và Môi trường lại có Văn bản số 4947/STNMT-KS, đề nghị UBND huyện Quốc Oai đôn đốc UBND các xã yêu cầu doanh nghiệp khai thác mỏ khẩn trương lập đề án đóng cửa mỏ...

Mang sự “vòng quanh” nêu trên so với quy định của Luật Khoáng sản, thì thấy: Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản phê duyệt, tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản và quyết định đóng cửa mỏ; còn Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29-11-2016 quy định: Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đóng cửa mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh... Và với thành phố Hà Nội, tại Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 13-3-2022, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ với các giấy phép đã hết hiệu lực...

Để làm rõ hơn quan điểm của Sở Tài nguyên và Môi trường về trách nhiệm trong việc buộc doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ khi hết thời hạn khai thác khoáng sản, phóng viên đã đặt lịch làm việc với Sở từ ngày 3-8, nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm...

Theo quy định, căn cứ đã khá rõ ràng, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Quốc Oai có giải pháp giải quyết dứt điểm những tồn tại nêu trên, không thể để doanh nghiệp "nhờn luật"...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đóng cửa mỏ khai thác đá tại huyện Quốc Oai: Vẫn “giậm chân tại chỗ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.