Nông nghiệp - Nông thôn

"Mỗi nông dân là một công dân số":Số hóa từ đồng ruộng đến thị trường

Bạch Thanh 23/05/2025 - 11:31

Với sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo của Hội Nông dân các cấp, nhất là phong trào “Bình dân học vụ số”, chuyển đổi số từng bước hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống nông dân Hà Nội, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn mới kiểu mẫu, nông dân số...

Chuyển động mạnh mẽ từ cơ sở

Thành phố Hà Nội hiện có hơn 450 nghìn hội viên nông dân - lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông nghiệp đô thị hiện đại. Thực tiễn thời gian qua, công tác chuyển đổi số trong nông dân Thủ đô chuyển biến tích cực. Hội Nông dân các huyện Ba Vì, Thanh Oai, Phú Xuyên… là những địa phương đi đầu trong tuyên truyền, vận động hội viên sử dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

chuyen-doi-so.jpg
Nông dân huyện Phú Xuyên thực hiện các phiên bán hàng trực tuyến. Ảnh: Sơn Tùng

Chuyển đổi số trong nông nghiệp không còn là khẩu hiệu, mà đang từng bước hiện diện sống động trong nếp nghĩ, cách làm của nông dân Thủ đô. Tại huyện Phú Xuyên - vùng đất giàu truyền thống nông nghiệp và làng nghề, nhiều nông dân chủ động bắt nhịp xu thế, trở thành những "công dân số" điển hình, góp phần hình thành nền tảng vững chắc cho phong trào “Mỗi nông dân là một công dân số”. Đặc biệt, sản phẩm từ dược liệu như mùi già, tinh dầu của Hợp tác xã Dược liệu Phú Xuyên (xã Quang Lãng) đưa lên không gian số; những phiên livestream giữa cánh đồng thơm ngát không chỉ giúp đẩy nhanh tiêu thụ sản phẩm, mà còn khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ về vùng quê trù phú, yên bình...

Ông Nguyễn Văn Minh, chủ nhà vườn Phú Hưng ở xã Quang Lãng chia sẻ: "Nhờ Hội Nông dân tổ chức tập huấn, tôi đã biết cách sử dụng điện thoại thông minh để bán sản phẩm qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Gia đình tôi nuôi ếch, trước kia chỉ bán được cho thương lái; từ khi tham gia "Cửa hàng nông sản số", kết nối được nhiều khách hàng, thu nhập tăng gấp đôi so với trước đây, mà không cần rời khỏi trang trại"...

chuyen-doi-so1.jpg
Hội Nông dân Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất gắn với chuyển đổi số. Ảnh: Sơn Tùng

Tại huyện Ba Vì, nhiều hội viên sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản, bán hàng qua sàn thương mại điện tử: Postmart, Voso, Shopee... Các sản phẩm như sữa Ba Vì, chè Ba Trại… nhờ đó mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng cả trong và ngoài nước. Hội Nông dân huyện còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng số, hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh trong thanh toán điện tử, quảng bá sản phẩm.

Tương tự, tại Thanh Oai, hàng chục tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp đã thành lập nhóm Zalo để trao đổi kỹ thuật canh tác, tiêu thụ sản phẩm. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Oai Lưu Thị Hải Anh cho biết, Thanh Oai xác định chuyển đổi số là con đường ngắn nhất giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm. Huyện đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng sử dụng mạng xã hội, bán hàng qua sàn thương mại điện tử, mã QR truy xuất nguồn gốc… Hội phối hợp với doanh nghiệp thiết lập các gian hàng số cho nông sản, làng nghề tiêu biểu của địa phương. Thời gian tới, huyện đẩy mạnh phong trào "Mỗi nông dân là một công dân số" để lan tỏa cách làm hiệu quả trên địa bàn.

Gắn kết phong trào với thực tiễn, đổi mới sáng tạo

Hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số”, Hội Nông dân thành phố Hà Nội xác định phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số là đột phá quan trọng. Phong trào lan tỏa mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu “Mỗi nông dân là một công dân số”, đến nay, hàng nghìn hội viên đã được phổ cập kiến thức số cơ bản. Nhiều mô hình “Nông dân số”, “Câu lạc bộ chuyển đổi số”, “Hợp tác xã nông nghiệp số”... ra đời tại các huyện: Đông Anh, Quốc Oai, Gia Lâm...

chuyen-doi-so3.jpg
Hội Nông dân Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất gắn với chuyển đổi số. Ảnh: Sơn Tùng

Ban Quỹ Hỗ trợ Nông dân thành phố cũng triển khai thí điểm phương án cho vay không dùng tiền mặt tại một số địa phương, đồng thời tập huấn phần mềm quản lý tài chính Quỹ cho 100% cán bộ Hội. Đặc biệt, các ứng dụng “Nông dân Thủ đô số” và nền tảng “iHaNoi - Công dân Thủ đô số” được phổ cập rộng rãi, hỗ trợ hội viên tra cứu chính sách, thông tin thị trường, học tập kỹ thuật, kết nối thị trường hiệu quả.

Trong năm 2025, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đề ra hàng loạt chỉ tiêu cụ thể, quyết liệt: 80% số cán bộ không chuyên trách và chi hội trưởng Chi hội Nông dân được tập huấn, có kiến thức cơ bản về chuyển đổi số; 70-80% số hội viên (trong độ tuổi lao động) được tuyên truyền, phổ biến kiến thức công nghệ số; 80% số hộ sản xuất, kinh doanh, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác... được phổ cập kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; 100% số cán bộ Hội các cấp; hơn 80% số hội viên tiếp cận, sử dụng ứng dụng: “Nông dân Việt Nam”, “Nông dân Thủ đô số”, Fanpage của Hội Nông dân thành phố; 70% số cơ sở Hội xây dựng mô hình “Nông dân số”, tổ/nhóm nòng cốt lan tỏa phong trào chuyển đổi số.

Để đạt mục tiêu này, Hội Nông dân Hà Nội triển khai Kế hoạch chuyển đổi số toàn diện, sâu rộng, linh hoạt theo điều kiện từng địa phương. Các cấp Hội tăng cường biểu dương, khen thưởng mô hình hay, cách làm sáng tạo trong chuyển đổi số. Cán bộ Hội nêu gương tự học, tự rèn kỹ năng số, hỗ trợ hội viên tiếp cận tri thức số thực chất, hiệu quả.

"Chuyển đổi số trong nông nghiệp là hành trình dài hơi, đòi hỏi sự kiên trì, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp Hội và hội viên. Tôi tin rằng, với sự chỉ đạo của Đảng, chính quyền, sự đồng hành của doanh nghiệp và tinh thần ham học hỏi của nông dân, phong trào "Mỗi nông dân là một công dân số" sẽ tạo chuyển biến thực chất, góp phần đưa nông nghiệp Hà Nội tiến xa hơn trên hành trình hội nhập, phát triển...", Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Phạm Hải Hoa nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Mỗi nông dân là một công dân số": Số hóa từ đồng ruộng đến thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.