Phản ánh đến Báo Hànộimới, các hộ dân sinh sống tại khu đất dịch vụ Tân Tây Đô (tổ dân phố 1, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) cho biết, khoảng 160 hộ dân sinh sống ổn định tại đây từ nhiều năm, nhưng đến nay không ít hộ vẫn chưa được nhập khẩu hay đăng ký tạm trú.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập của con em họ, mà còn khiến các hộ phải trả tiền điện, nước với giá kinh doanh thay vì giá sinh hoạt.
Khu đất dịch vụ Tân Tây Đô hình thành cách đây 15 năm, kể từ khi khoảng 230 hộ dân trên địa bàn xã Tân Lập có đất nông nghiệp bị thu hồi được Nhà nước giao đất dịch vụ theo Quyết định số 1098/2007/QĐ-UBND ngày 28-6-2007 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) về việc ban hành quy định giao đất có thu tiền sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh - dịch vụ hoặc đất ở cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án trên địa bàn. Sau khi được giao đất, nhiều hộ đã xây dựng nhà để ở, kinh doanh - dịch vụ, hoặc chuyển nhượng (hiện có khoảng 160 hộ đã về ở). Tuy nhiên, ngoài số hộ có hộ khẩu thường trú tại xã Tân Lập thì hầu hết các hộ nhận chuyển nhượng đất dịch vụ tại đây đều chưa được đăng ký tạm trú khiến quyền lợi bị ảnh hưởng rất nhiều.
Ông Dương Văn Công quê ở tỉnh Thái Nguyên, trú tại số nhà 5, ngõ 79, tổ dân phố 1, xã Tân Lập cho biết: “Năm 2010, gia đình tôi nhận chuyển nhượng thửa đất có diện tích 57,4m2 sau đó xây nhà và chuyển đến đây sinh sống song hiện vẫn không ai được đăng ký tạm trú. Vì vậy, con cái phải xin học trái tuyến; bố mẹ không được tham gia sinh hoạt Đảng và đoàn thể tại nơi đang cư trú. Trong khi đó, mọi hoạt động, đóng góp với địa phương gia đình đều thực hiện đầy đủ…”.
Cùng chung nỗi niềm, anh Lê Phi Trường quê ở tỉnh Thanh Hóa, trú tại số nhà 46, ngõ 79, tổ dân phố 1, xã Tân Lập chia sẻ, gia đình mua nhà và chuyển đến sinh sống từ năm 2021, nhưng do không được nhập hộ khẩu hay đăng ký tạm trú, nên con không được đi học đúng tuyến, gia đình phải trả tiền điện, nước theo giá kinh doanh dịch vụ: 29.000 đồng/m3 nước (chưa kể thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường), 3.200 đồng/kWh điện.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về việc này, Tổ trưởng tổ dân phố 1 (xã Tân Lập) Trần Đình Hoàn cho biết, nguyên nhân là do mục đích sử dụng đất ở đây là “đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp”, không phải là đất ở. Đây cũng là lý do các đơn vị kinh doanh điện, nước đã áp đúng giá kinh doanh.
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Văn Học, từ năm 2023, 160 hộ dân có đất tại khu đất dịch vụ Tân Tây Đô đã làm đơn đề nghị được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở. UBND xã đã lập danh sách, có báo cáo đề xuất gửi UBND huyện Đan Phượng và cơ quan chức năng, song đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Về phía huyện Đan Phượng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bùi Văn Hoa cho biết, huyện đã trả lời kiến nghị của người dân. Trước đây, khi chuyển đổi từ đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở, các hộ không phải nộp tiền sử dụng đất, nhưng hiện nay, căn cứ Luật Đất đai năm 2024, khi chuyển đổi, các hộ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. Nhiều hộ cho rằng, người dân ở hầu hết các khu đất dịch vụ trên địa bàn huyện khi chuyển đổi đều không phải nộp nghĩa vụ tài chính, do đó để bảo đảm công bằng, các hộ tại khu đất dịch vụ Tân Tây Đô cũng đề nghị được miễn thực hiện nghĩa vụ tài chính, lý do nguồn gốc đất, thời điểm cấp đất dịch vụ trên địa bàn như nhau và các hộ đều đã phải nộp tiền sử dụng đất.
“Tháng 3-2025, UBND huyện Đan Phượng đã có báo cáo gửi UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị có văn bản hướng dẫn đối với các trường hợp được giao đất dịch vụ ổn định lâu dài theo Quyết định 1098/2007/QĐ-UBND ngày 28-6-2007 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) khi xin chuyển mục đích sử dụng sang đất ở có phải thực hiện nghĩa vụ tài chính không? Sau khi có hướng dẫn cụ thể, chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện triển khai đúng quy định nhằm bảo đảm công bằng, giúp người dân ổn định cuộc sống”, ông Bùi Văn Hoa thông tin thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.