Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Dòng chảy” nhân văn

Võ Lâm| 21/06/2013 05:47

(HNM) - Báo chí cách mạng Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển đa chiều, vẫn còn có những khó khăn cục bộ, nhưng vẫn như dòng sông chảy về biển lớn - dòng chính góp phần quan trọng xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Giải Báo chí quốc gia lần thứ VII-2012 có thể coi là chiếc gương phản chiếu khá đầy đủ và chính xác về năng lực của "làng" báo chí cách mạng Việt Nam trong năm qua. Đó là vì giải có sự tham gia của hầu hết các cơ quan báo chí cả nước (chỉ có 4 hội nhà báo tỉnh không có tác phẩm tham dự) với 1.540 tác phẩm, nhiều nhất trong các mùa giải từ năm 2006 đến nay.

117/160 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo đã giành các giải thưởng. Đặc biệt, lần đầu tiên Giải Báo chí quốc gia có đến 5 giải A. Nói về các tác phẩm này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải Báo chí quốc gia lần thứ VII Hà Minh Huệ khẳng định: "Đây thực sự là những tác phẩm xuất sắc từ cách lựa chọn vấn đề đến hình thức thể hiện. Mỗi bài báo đều đề cập đến một vấn đề thời sự nóng bỏng và trả lời được những câu hỏi mà người dân đang quan tâm".

Các phóng viên tác nghiệp tại những sự kiện lớn của Thủ đô. Ảnh: Viết Thành


Trong các tác phẩm đoạt giải, có một số tác phẩm mang tính phát hiện, tạo được tiếng vang trong xã hội như: “Coca Cola, Pepsi Cola” Việt Nam: Giật mình lỗ khủng (Báo Đầu tư); “Biến nước lã, tạp chất thành xăng dầu” (Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh); “Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị - Kinh nghiệm ở Lào Cai” (Báo Quân đội nhân dân)… Báo Bình Dương cũng có loạt bài điều tra "Kỷ vật từ lòng đất" rất xúc động và ấn tượng. Chủ quyền biển đảo tiếp tục là chủ đề nổi bật trong mùa giải năm nay với sự góp mặt ở tất cả các loại giải với nhiều tác phẩm thể hiện quá trình tác nghiệp công phu và tình yêu quê hương đất nước như: "Chủ quyền là tối thượng", "Ký ức về với Trường Sa", "Phi lý đường lưỡi bò", "Kiên quyết bám biển bảo vệ chủ quyền"... Năm nay cũng xuất hiện nhiều bài báo viết về kinh tế xuất sắc, nổi bật là các tác phẩm đoạt giải cao như: "Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh" (Báo Quân đội nhân dân), "Tập đoàn kinh tế Nhà nước - Những lát cắt thời sự" (Báo Công an nhân dân), "Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long" (Báo Nhân Dân). Bên cạnh đó, không ít bài báo viết về chủ đề cũ cũng có chất lượng cao như đề tài thanh niên xung phong, đã gợi lại mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại hết sức sâu sắc. Một số tác phẩm báo chí viết về các vấn đề báo chí cũng đoạt giải năm nay.

Không riêng các tác phẩm đoạt giải cao, mùa giải năm nay cũng cho thấy thành quả lao động, sáng tạo hết sức phong phú, đa dạng của báo giới cả nước. Hội đồng Giải nhận định: "Các tác phẩm dự giải ngày càng có mặt bằng chất lượng đồng đều; đề tài phong phú, nội dung đa dạng, có nhiều tìm tòi, phát hiện; khoảng cách chênh lệch giữa báo chí trung ương và các địa phương ngày càng rút ngắn".

Tuy nhiên, Giải Báo chí quốc gia không phản ánh hết được thực tại làng báo hiện nay. Đan xen với "dòng chảy" chính, trong năm qua, không ít những "dòng chảy" nhỏ "độc hại" vẫn len lỏi trên những trang báo mạng và không ít ấn phẩm. Xu hướng "lá cải hóa", "thương mại hóa" vẫn khiến các nhà quản lý đau đầu. Tấn công người đọc hằng ngày vẫn là vô số tin tức giật gân, câu khách nhằm thỏa trí tò mò của người đọc, gián tiếp cổ vũ cho những thói hư tật xấu, những suy nghĩ, lối sống tiêu cực, bệnh hoạn. Đó còn là những thông tin xâm phạm đời tư cá nhân một cách không thương tiếc... Không ít người viết báo vẫn tự cho mình quyền tùy tiện chà đạp, tùy tiện phán xét về phẩm hạnh người khác hay vô tình tước đi những cơ hội thay đổi cuộc đời của những người lầm lỡ. Nhất là còn tồn tại kiểu thông tin, làm báo như cố tình gieo vào người đọc suy nghĩ rằng cuộc sống toàn màu đen, xã hội toàn tiêu cực...

Bên cạnh công tác quản lý, sở dĩ còn có những "dòng chảy độc hại" như vậy ám ảnh làng báo vì sự xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo. Nhà báo kỳ cựu Huỳnh Dũng Nhân từng viết: "Tính tuân thủ pháp luật và cái tâm là hai yếu tố tạo nên những công dân tốt trong một nhà báo giỏi. Suy cho cùng cũng là yếu tố con người mà thôi". Tuy nhiên, sức hút chưa thật mạnh của báo chí chính thống, "dòng chảy" chính cũng góp phần thả nổi thị hiếu tầm thường của người đọc. Nhà báo lão thành Hữu Thọ, một trong những giám khảo tại Giải Báo chí quốc gia lần thứ VII-2012 mong ước sẽ có những tác phẩm báo chí mở ra một phong cách tác nghiệp, thậm chí là một bản sắc làm báo mới mẻ, có sức cuốn hút mạnh mẽ, xây dựng thị hiếu lành mạnh cho người đọc. Đây vẫn luôn là thử thách của làng báo Việt Nam. Nhiều mùa giải qua, vẫn thiếu vắng những tác phẩm báo chí thật sự xuất sắc, làm lay động lòng người.

Dẫu sao, Giải Báo chí quốc gia lần thứ VII vẫn đem lại niềm tin về sự phát triển tích cực của báo chí cách mạng Việt Nam. Cho dù bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, nhiều tòa soạn phải "bươn bả" để duy trì xuất bản, bảo đảm chi phí, nhưng tôn chỉ mục đích vẫn được tuân thủ, người làm báo chân chính vẫn đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Một nhà báo kỳ cựu từng nói: "Mỗi bài báo như một thông điệp của tác giả, có khi là sự yêu thương nhưng có lúc là sự hủy hoại". Trong "dòng chảy" thời sự hằng ngày, báo chí cách mạng Việt Nam vẫn chủ yếu truyền đi những thông điệp nhân văn. Đó là điều rất đáng để vui mừng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Dòng chảy” nhân văn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.