(HNM) - Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) Hà Nội đã triển khai 4 năm (2009-2012) dù khởi đầu với nhiều khó khăn song đến nay lượng RAT sản xuất tại Hà Nội ngày một lớn. Tính minh bạch và lòng tin vào RAT đối với người tiêu dùng cũng tăng.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, đến nay các địa phương rà soát, định vị được 3.800ha RAT phân bố ở 93 xã trọng điểm rau để tập trung chỉ đạo, giám sát. Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Nguyễn Hồng Anh cho biết, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát lại quy hoạch RAT và hoàn thành báo cáo kết quả rà soát. Dự thảo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch RAT đã trình UBND TP ngày 9-10-2012 và đang chờ phê duyệt. Hiện Hà Nội đã có 28 dự án xây dựng vùng RAT tập trung được lập với tổng diện tích 1.843,6ha. Trong đó, có 9/28 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư và đang thi công, một số vùng đã hoạt động như: Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì), Thanh Đa (Phúc Thọ), Thụy Hương (Chương Mỹ)... Có 15/28 dự án đã được thành phố chấp thuận cho phép chuẩn bị đầu tư; 4/28 dự án đang ở bước 1 là xin chủ trương đầu tư.
Sơ chế, đóng gói rau sạch tại HTX Rau an toàn Văn Đức (Gia Lâm).
Ảnh: Linh Ngọc
Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng và quản lý một số mô hình RAT khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ như: Vùng RAT xã Văn Đức, Gia Lâm (250ha); xã Duyên Hà, Thanh Trì (57ha) và Thanh Đa, Phúc Thọ (50ha). Đồng thời xây dựng 1 mô hình sản xuất rau nước an toàn (gồm rau muống, rau cần, rau cải xoong) 10ha tại xã Hương Ngải, Thạch Thất. Chi cục còn tập trung hướng dẫn, giám sát và chỉ đạo 12 vùng sản xuất RAT theo VietGAP với tổng diện tích 125ha; sản lượng đạt 8.200 tấn/năm. Duy trì quản lý 10 nhóm sản xuất rau hữu cơ ở huyện Sóc Sơn với diện tích 10,2ha; sản lượng đạt khoảng 500 tấn/năm.
Hình thành mạng lưới tiêu thụ RAT
Theo Chi cục BVTV, Hà Nội có 58 cửa hàng, điểm bán RAT được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh RAT, sản lượng tiêu thụ trung bình từ 50 đến 120kg/cửa hàng/ngày. Thành phố hỗ trợ người bán hàng hoặc thuê cửa hàng 2 triệu đồng/cửa hàng/tháng. Ngoài ra, có 35 siêu thị đang tiêu thụ RAT, sản lượng từ 80 đến 200kg/siêu thị/ngày. Dự kiến từ nay đến hết năm 2012, Hà Nội sẽ mở thêm 25-30 điểm bán RAT trong nội thành. Về phía các DN, đã có 15 DN đang tham gia sản xuất, kinh doanh RAT. Sản lượng tiêu thụ từ 500 đến 700kg/DN/ngày, ngày cao điểm 2.000-3.000kg. Và 25 HTX sản xuất và tiêu thụ RAT với sản lượng tiêu thụ trung bình 200-300 kg/HTX/ngày, cao điểm 800-1.000kg/ngày. Nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, lựa chọn sản phẩm RAT; bên cạnh việc gắn nhãn nhận diện cho sản phẩm RAT bán buôn, từ tháng 9-2012 Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Chi cục BVTV phối hợp với các địa phương, DN triển khai dán tem nhận diện RAT Hà Nội cho sản phẩm RAT bán lẻ ở các cửa hàng, siêu thị, chợ...
Để đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tuyên truyền, Chi cục phối hợp với Công ty VietXan xây dựng và vận hành "Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn" nhằm kết nối giữa người sản xuất và tiêu dùng. Hiện sàn đang giới thiệu, quảng bá 25 cơ sở sản xuất RAT kết nối các đơn vị tham gia với các nhóm tiêu thụ (các nhà bán buôn, siêu thị, nhà hàng, khách sạn...) để bán hàng. Sau một năm hoạt động, đã có 31.562 lượt người thăm và tìm hiểu trên sàn; 230 lượt tổ chức, cá nhân (đơn vị bán buôn, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bán lẻ, siêu thị...) liên hệ tìm hiểu thông tin liên kết tiêu thụ với các HTX sản xuất RAT; trong đó có các đầu mối ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... Đã có 27 DN, cá nhân đến làm việc trực tiếp với sàn để được tư vấn, hỗ trợ mở cửa hàng và tư vấn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh RAT. Thông qua các sàn giao dịch, mạng lưới Tổ tiêu thụ RAT tại các khu dân cư được hình thành. Dự kiến đến cuối năm 2012 sẽ có 50-60 tổ tiêu dùng, điểm phân phối RAT tại các khu dân cư.
Đặc biệt, để hỗ trợ DN đẩy mạnh tiêu thụ RAT, mới đây Sở Công thương Hà Nội đã có văn bản đề xuất thành phố hỗ trợ DN trong việc mở rộng điểm bán và quảng bá tuyên truyền với mức từ 1 đến 1,5 triệu đồng/điểm bán RAT có lượng bán dưới 50kg/ngày; 2 triệu đồng/điểm bán RAT cho các điểm bán trên 50kg/ngày. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân khẳng định, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục khắc phục những hạn chế để cung cấp những sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Với mạng lưới phân phối chuyên nghiệp như vậy, chắc chắn bà con nông dân có thể yên tâm mở rộng sản xuất RAT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.