Nông nghiệp - Nông thôn

Các vùng rau an toàn mang lại nhiều lợi ích cho nông dân

Ngọc Quỳnh 20/12/2023 - 12:04

Thời gian qua, Hà Nội đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh rau an toàn còn nhiều rủi ro. Vậy đâu là giải pháp để rau an toàn phát triển ổn định, bền vững?

Thu nhập cao từ trồng rau công nghệ cao

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố đã đưa công nghệ cao vào sản xuất, nhờ vậy, không chỉ kiểm soát được dịch bệnh mà còn cho giá trị kinh tế cao.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thượng, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết, năm 2016, được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, Hợp tác xã thí điểm trồng 5ha rau an toàn. Nhờ sử dụng phân bón sinh học nên rau an toàn sinh trưởng, phát triển tốt, giảm sâu bệnh, cho giá trị kinh tế cao hơn trồng rau thông thường 40 triệu đồng/ha.

ung-hoa.jpg
Các mô hình trồng rau công nghệ cao ở huyện Ứng Hòa phát huy hiệu quả.

Nhận thấy hiệu quả, Hợp tác xã mở rộng diện tích sản xuất lên 27ha và được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội) chứng nhận là vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Cùng với phát triển vùng chuyên canh rau an toàn, Hợp tác xã còn mạnh dạn xây dựng mô hình trồng rau trong nhà kính 5.000m2, tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng. Mô hình được thiết kế hiện đại, đồng bộ với giàn tưới nước, phun sương tự động, sử dụng hoàn toàn phân bón sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất, chất lượng cao gấp nhiều lần so với trồng rau theo phương thức truyền thống.

cuoi-quy-1-.jpg
Mô hình rau của Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) cho giá trị kinh tế cao.

Tương tự, theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Cuối, Hợp tác xã có 5ha trồng rau ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, tưới tự động, công nghệ này không chỉ hạn chế tối đa sâu bệnh mà còn giảm công chăm sóc. Hiện, trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã thu hoạch 2-4 tấn rau xanh, giá bán 20.000 - 30.000 đồng/kg, thu nhập bình quân của Hợp tác xã đạt gần 6,6 tỷ đồng/ha/năm.

Thời gian gần đây, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương, hợp tác xã đưa công nghệ cao vào sản xuất rau. Hiện, các vùng trồng rau đã có 127ha ứng dụng kỹ thuật nhà lưới, 47ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, 7 nhà sơ chế rau với tổng diện tích 750m2.

Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lưu Thị Hằng cho biết, sản xuất rau an toàn theo hướng công nghệ cao không chỉ cho giá trị cao hơn 10-20% so với rau thông thường, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng cung cấp cho đối tác, hạn chế rủi ro khi thị trường biến động về giá cả, kiểm soát được chất lượng rau trên thị trường.

Từng bước mở rộng diện tích

Có thể nói, trồng rau công nghệ cao không giống trồng rau thông thường vì phải đầu tư bài bản nên chi phí đầu tư ban đầu lớn. Bù lại, chất lượng, năng suất cao hơn, hạn chế được nhiều rủi ro từ thời tiết, diễn biến sâu bệnh. Hơn nữa, nếu đầu ra ổn định, doanh thu lên đến chục tỷ đồng/ha mỗi năm.

Từ nay đến năm 2030, Hà Nội xác định mục tiêu ngành Nông nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng tới giá trị xanh, tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh. Do đó, thời gian tới, Hà Nội sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng rau chuyên canh theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu; đồng thời, tập trung thúc đẩy phát triển sản phẩm rau lợi thế; xây dựng các vùng rau chuyên canh, quy mô lớn theo tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường.

gia-lam.jpg
Gia Lâm hình thành vùng trồng rau công nghệ cao cho hiệu quả cao.

Mục tiêu cụ thể: Diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt khoảng 400-500ha; diện tích rau ứng dụng công nghệ cao khoảng 300-500ha; đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh với từng nhóm rau, áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tốt, hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với cơ sở sơ chế, chế biến; tổ chức quản lý và hướng dẫn diện tích sản xuất rau không chuyên canh, nhỏ lẻ, manh mún, xen kẹt đúng quy trình sản xuất an toàn; phấn đấu kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng quy định cho 90% diện tích sản xuất rau an toàn trên địa thành phố Hà Nội.

Để đạt mục tiêu này, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, Sở chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương tăng cường hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thay thế bằng thuốc sinh học để kiểm soát vật tư nông nghiệp dùng trong sản xuất rau an toàn. Các địa phương chủ động hình thành liên kết ổn định giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau với hợp tác xã, nông dân vùng sản xuất rau an toàn tập trung; phát triển mạng lưới tiêu thụ qua siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ gắn chứng nhận rau an toàn với sử dụng thương hiệu nhà sản xuất.

soc-son.jpg
Nhiều hợp tác xã huyện Sóc Sơn đưa công nghệ cao vào sản xuất rau quả an toàn.

Bên cạnh đó, các địa phương bố trí quỹ đất sạch, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rau an toàn theo hướng công nghệ cao. Chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm rau an toàn ở những vùng có đủ điều kiện; tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau thu hoạch theo quy chuẩn kỹ thuật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các vùng rau an toàn mang lại nhiều lợi ích cho nông dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.