Nông nghiệp - Nông thôn

Tháo “nút thắt” cho các vùng rau an toàn

Ngọc Quỳnh 06/12/2023 - 16:13

Thời gian qua, mặc dù năng suất, sản lượng rau an toàn của Hà Nội đã tăng rõ rệt, song công tác quản lý đầu vào và chất lượng sản phẩm còn không ít bất cập, nông dân loay hoay trong khâu tiêu thụ sản phẩm, giá thành chưa tương xứng chi phí sản xuất. Vậy, đâu là giải pháp để các vùng rau an toàn phát huy hiệu quả, để người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm sạch?

Vẫn khó khăn ở sản xuất và tiêu thụ

Hiện nay, diện tích gieo trồng rau các loại của thành phố đạt trên 33.000ha, các mô hình rau an toàn cho hiệu quả kinh tế cao đạt 400-600 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Các vùng trồng được che phủ nilon, trồng trong nhà lưới hoặc trồng rau trái vụ có giá trị sản xuất đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, cao hơn trồng rau theo phương pháp truyền thống 10-20%.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, sản xuất rau an toàn cũng còn nhiều khó khăn, theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng, hiện nay, quản lý sản xuất rau an toàn còn bất cập do quy mô nhỏ, phân tán, số hộ sản xuất quá lớn.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, hiện nay hợp tác xã đang gặp khó khi xây dựng chuỗi rau an toàn do số nông hộ tham gia sản xuất trên vùng rất lớn. Trong khi đó, muốn sản lượng, quy mô đạt tiêu chuẩn chất lượng thì phải tổ chức liên kết sản xuất rất chặt chẽ, nếu chỉ số ít nông hộ không hợp tác là khiến chuỗi dễ bị đứt gãy. Sản xuất rau an toàn đòi hỏi quy trình bài bản từ việc chọn đất trồng, nguồn nước tưới, giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hay cách thức thu hoạch...

rau-an-toan-chuc-son.jpg
Nhiều vùng rau an toàn của Hà Nội phát huy hiệu quả nhưng vẫn khó khăn ở khâu tiêu thụ.

Không chỉ khó khăn ở khâu sản xuất, vướng mắc lớn nhất hiện nay tại vùng rau an toàn là đầu ra chưa ổn định, mới tiêu thụ khoảng 10-20% sản lượng bán tại siêu thị cửa hàng tiện ích, số còn lại bán buôn tại chợ đầu mối, chợ dân sinh nên giá trị chưa tương xứng chi phí sản xuất dẫn tới giá trị thấp.

Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) Đặng Bá Thắng cho biết, hợp tác xã đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ rau an toàn cho thành viên, nhưng khi vào vụ thu hoạch, do sản lượng nhiều nên nông dân vẫn phải qua thương lái hoặc mang ra chợ đầu mối bán như rau thường...

Nâng cao chất lượng, đa dạng kênh tiêu thụ

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho biết, Chi cục tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh theo hướng giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đối với hộ gia đình sản xuất rau, cần liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã và tổ hợp tác để sản xuất rau tại các vùng tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mã số vùng trồng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc; tham gia các khóa đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ về quy trình sản xuất rau an toàn, sơ chế, bảo quản rau...

Bên cạnh đó, Chi cục tiếp tục phối hợp với các địa phương chú trọng đẩy mạnh hình thành chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất - tiêu thụ rau như: Phát triển các quầy bán rau an toàn tại các chợ, siêu thị; duy trì một số chợ quy mô nhỏ để thuận tiện cho việc tiêu thụ rau an toàn ở các vùng sản xuất quy mô lớn nằm xa chợ đầu mối. Chi cục cũng sẽ tăng cường, siết chặt công tác quản lý vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu, đánh giá sự phù hợp của thuốc bảo vệ sinh học, thảo mộc để ứng dụng đối với sản xuất rau của Hà Nội.

rau-an-toan-huong-ngai.jpg
Vùng trồng rau an toàn tại xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất) cho giá trị kinh tế cao.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban, để các vùng trồng rau an toàn phát huy hiệu quả, các sở, ngành cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn gắn với mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; đa dạng hóa kênh phân phối rau an toàn, hình thành các sàn giao dịch; đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu, triển lãm, quảng bá, xúc tiến thương mại...

Cùng với đó, hỗ trợ các địa phương phát triển kết cấu hạ tầng vùng sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào các mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho người trồng rau...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo “nút thắt” cho các vùng rau an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.