Thực tế phát triển của các nền kinh tế lớn trên thế giới cho thấy, chuyển đổi về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ trực tiếp làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế. Đổi mới sáng tạo được đánh giá là một trong những chỉ số phát triển quan trọng, là yếu tố định hướng trung tâm phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được về đổi mới sáng tạo, thẳng thắn đánh giá, Việt Nam còn một khoảng cách khá lớn, không chỉ so với các nền kinh tế phát triển mà cả với một số nước trong khu vực trong lĩnh vực này. Các chỉ số xếp hạng khoa học của Việt Nam thấp, phản ánh chất lượng đổi mới sáng tạo của Việt Nam chưa cao. Ở các chỉ số về số lượng trích dẫn của các công trình được công bố quốc tế, Việt Nam chưa có tên trong danh sách các nhóm dẫn đầu. Chỉ số này ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với Malaysia, Thái Lan...
Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam cũng chưa thực sự bền vững. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các kết quả phát triển của Việt Nam bắt nguồn từ những điều kiện thuận lợi về nhân khẩu học và tái cơ cấu ngành, nhưng động lực này đang giảm dần với sự suy giảm tỷ lệ sinh, già hóa dân số, sự chuyển đổi từ nông nghiệp năng suất thấp sang các ngành sản xuất và dịch vụ cũng giảm...
Với mục tiêu đưa đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển của Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, đổi mới sáng tạo được xác định là nhiệm vụ đột phá chiến lược phát triển của nước ta trong giai đoạn sắp tới. Điều này cũng được nêu trong “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”, được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 11-5-2022. Nhằm tiếp tục cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo của Đảng về đổi mới sáng tạo, ngày 25-10 vừa qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE) tổ chức Hội thảo khoa học “Động lực đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số - Từ tầm nhìn đến thực tiễn".
Đổi mới sáng tạo thông qua khoa học - công nghệ được xem là chìa khóa giúp Việt Nam có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình và sớm thoát khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ thấp và nguồn tài nguyên. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 là khoảng 6%. Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.
Chúng ta cũng cần xây dựng các trụ cột vững chắc, tạo động lực phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Trong đó, trước mắt tập trung vào những trụ cột như về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính phủ số. Trụ cột về phát huy vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo. Trụ cột về xây dựng môi trường thể chế tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; trước hết là hệ thống chính sách, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, minh bạch và có tính ưu đãi đủ lớn, hỗ trợ vượt qua rủi ro đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp…
Các bộ, ngành tiếp tục xây dựng chính sách, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực khoa học công nghệ quốc gia; hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nâng cao năng lực hấp thụ tiến bộ khoa học và công nghệ, để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.