Góc nhìn

Động lực mới cho doanh nghiệp nông nghiệp

Hoàng Sơn 07/05/2025 - 06:37

Ngày 4-5-2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TƯ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới.

Đây là bước cụ thể hóa quan điểm lớn của Đảng tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII), tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột, động lực quan trọng của kinh tế tư nhân trong phát triển đất nước. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp - vốn được xem là “mặt trận sản xuất” bền vững và có nhiều dư địa đổi mới - được đặc biệt chú trọng.

Trong nhiều năm qua, kinh tế tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đã có bước phát triển tích cực. Từ những doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô lớn đến các hợp tác xã kiểu mới, trang trại ứng dụng công nghệ cao… đã và đang tạo ra hàng triệu việc làm, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt. Tuy nhiên, những rào cản như khả năng tiếp cận đất đai, vốn, hạ tầng logistics, công nghệ… vẫn khiến khối doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ra đời đã đặt ra những định hướng và giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực phát triển, xóa bỏ rào cản vô hình, kiến tạo môi trường đầu tư lành mạnh, thông thoáng cho doanh nghiệp tư nhân - trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đây là thông điệp mạnh mẽ của Đảng, tạo hành lang pháp lý và niềm tin để các doanh nghiệp nông nghiệp yên tâm mở rộng quy mô, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Một điểm đột phá được Nghị quyết số 68-NQ/TƯ xác định rõ là: Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô lớn, hiện đại, theo chuỗi giá trị. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nghị quyết cũng đặt trọng tâm vào việc khuyến khích kinh tế tư nhân đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã, viện nghiên cứu và thị trường tiêu thụ. Đây là định hướng không chỉ giúp nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp mà còn thúc đẩy động lực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững đến cả hệ sinh thái nông nghiệp.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân ở Hà Nội và các địa phương lân cận đã chủ động chuyển đổi mô hình theo hướng công nghệ cao, tuần hoàn, thân thiện môi trường. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ về cơ chế - chính sách như tiếp cận đất đai linh hoạt, tín dụng ưu đãi, đào tạo nhân lực… thì sự chuyển đổi này sẽ khó lan tỏa trên diện rộng. Nghị quyết số 68-NQ/TƯ chính là “bàn tay dẫn dắt” giúp khơi thông những điểm nghẽn đó.

Chuyển ý Đảng thành chính sách thiết thực là yêu cầu cấp bách hiện nay. Do vậy, các cơ quan trung ương cần sớm thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TƯ thành luật, nghị định, thông tư cụ thể, trong đó đặc biệt quan tâm đến các nội dung như: Tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ, ưu đãi thuế cho đầu tư chế biến nông sản…

Cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở các tỉnh, thành phố có thế mạnh nông nghiệp phải vào cuộc đồng bộ, tích cực gỡ khó cho doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân trong giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng, đầu tư hạ tầng giao thông - thủy lợi - logistics…

Đặc biệt, tại thành phố Hà Nội - nơi có vùng sản xuất nông nghiệp lớn và nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, việc quán triệt Nghị quyết số 68-NQ/TƯ cần gắn với thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU về phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tăng cường đối thoại giữa chính quyền - doanh nghiệp - nông dân, tháo gỡ vướng mắc cụ thể trong tích tụ đất đai, cấp phép đầu tư hay xúc tiến thương mại là những việc cần làm ngay.

Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tại các địa phương cần phát huy vai trò giám sát, đồng hành, kiến nghị chính sách sát với thực tế, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, góp phần tạo động lực cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực mới cho doanh nghiệp nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.