Góc nhìn

Nâng chất lượng lao động

Gia Khánh 08/05/2025 - 06:37

Theo báo cáo về thị trường lao động của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hằng năm. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động/dân số từ 15 tuổi trở lên khoảng 69%.

Hằng năm, lực lượng lao động được bổ sung khoảng 500.000 người. Hiện, lực lượng lao động (từ 15 tuổi trở lên) là 52,9 triệu người, giảm so với thời điểm cuối năm 2024 nhưng tăng hơn 532.000 người so với cùng kỳ năm 2024.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ quý I-2025 là 28,8%, tăng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2024. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Đáng chú ý, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 8,3 triệu đồng/người, tăng 131.000 đồng so với cuối năm 2024 và tăng 720.000 đồng so với cùng kỳ năm 2024, tương đương tăng 1,6% và tăng 9,5%.

Các số liệu như tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,2%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2024; số người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm cũng giảm gần 800.000 người so với cùng kỳ năm 2024, đã cho thấy sự phát triển về kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, báo cáo cũng phản ánh những điểm hạn chế của thị trường lao động, đó là chất lượng cung lao động chưa đáp ứng cho cầu của thị trường hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Chỉ có 28,8% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, cho thấy thị trường đang thiếu lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật. Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng tỷ lệ việc làm không chính thức chiếm tới 64,3%. Đây là nhóm công việc bấp bênh, thiếu ổn định với thu nhập thấp.

Cơ cấu lao động chuyển dịch từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ nên năng suất lao động dù cải thiện qua từng năm nhưng vẫn rất thấp so với khu vực.

Khu vực doanh nghiệp là nơi thu hút, tạo việc làm mới cho nền kinh tế, tạo cơ hội cho lao động phi chính thức dịch chuyển sang. Song số doanh nghiệp thành lập mới giảm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội việc làm. Việc Hoa Kỳ áp dụng thuế suất đối ứng 46% có thể gây ra những tác động tiêu cực đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và thị trường lao động liên quan.

Như vậy, để thị trường lao động phát triển bền vững, trước hết cần tiếp tục điều chỉnh, xây dựng các chính sách về lao động, dân số để duy trì cơ cấu dân số vàng. Qua đó góp phần thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.

Thứ hai, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong việc chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất sẽ góp phần tạo ra nhiều hơn việc làm mới cho thị trường lao động, đồng thời cải thiện thu nhập của người lao động.

Thứ ba, tăng lao động được đào tạo qua định hướng nghề nghiệp và gắn với nhu cầu của thị trường. Ở đây, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề cần liên kết với nhau, doanh nghiệp cung cấp nhu cầu, tiêu chuẩn; cơ sở đào tạo tuyển sinh, xây dựng chương trình học tập; học sinh thực tập tay nghề tại nhà máy, khi học xong được tuyển dụng ngay. Mô hình liên kết này giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý giữ vai trò dự báo nhu cầu thị trường lao động và kết nối cơ sở đào tạo - doanh nghiệp sử dụng lao động, góp phần bảo đảm cung - cầu. Việt Nam đang trên đường tiến lên thịnh vượng, với đột phá là khoa học, công nghệ, vì thế chất lượng lao động phải thay đổi nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng chất lượng lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.