Góc nhìn

Quyết liệt hơn với hàng giả!

Hà Trang 06/05/2025 - 06:26

Thời gian qua, Bộ Công an và các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả với quy mô lớn, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Một số vụ việc điển hình mới được phát hiện như: Ngày 10-4-2025, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt 8 đối tượng trong đường dây sản xuất sữa giả, thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột và hơn 26.000 hộp sữa. Nhiều sản phẩm sữa này từng được bác sĩ, người nổi tiếng quảng cáo, gây hoang mang dư luận. Nhóm đối tượng lập 9 công ty "vỏ bọc", thu lợi gần 500 tỷ đồng trong 4 năm hoạt động.

Ngày 16-4-2025, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả trên toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng. Lực lượng chức năng khám xét 6 địa điểm, thu giữ 21 loại thuốc giả, chủ yếu là tân dược và thuốc xương khớp, với tổng khối lượng gần 10 tấn.

Ngày 25-4-2025, Bộ Công an tiếp tục điều tra một đường dây sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Các sản phẩm như Baby Shark và Medi Kid Calcium K2 được quảng cáo nhập khẩu nhưng thực tế sản xuất tại Việt Nam với chất lượng thấp, đây là nhóm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em, trong đó có cả trẻ sơ sinh…

Việc sử dụng sữa giả không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn là gánh nặng cho toàn xã hội. Còn với thuốc giả, thực phẩm chức năng giả sẽ để lại các hậu quả khôn lường, đó là không điều trị được bệnh, gây ra tác dụng phụ nguy hiểm, làm tăng tình trạng kháng thuốc, tổn hại tâm lý và tài chính, nguy cơ tử vong cao…

Nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng sản xuất, tiêu thụ sữa, thuốc, thực phẩm chức năng giả, ngày 2-5 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 55/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Trước đó, ngày 17-4-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký Công điện số 40/CĐ-TTg về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả. Như vậy, trong thời gian chưa đầy 1 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã ký 2 công điện về việc này, cho thấy sự cần thiết phải có những giải pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn triệt để tình trạng buôn bán, làm giả sữa, thuốc chữa bệnh giả.

Để thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; quản lý tốt các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc gắn với yêu cầu kết nối cơ sở cung ứng thuốc, đặc biệt phải xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần phải có kế hoạch hậu kiểm, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với hàng hóa. Việc kiểm tra hàng hóa không chỉ bằng mắt thường, kiểm tra tình trạng hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ mà còn phải lấy mẫu để kiểm nghiệm bằng các máy móc thiết bị chuyên dụng để phát hiện ra chất lượng có bảo đảm theo tiêu chuẩn công bố hay không...

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần trang bị kiến thức trong việc nhận biết hàng giả, kém chất lượng. Theo đó cần mua hàng ở những nơi uy tín, hàng hóa còn tem, nhãn mác, hạn sử dụng, có mã vạch để bảo vệ bản thân, gia đình, góp phần chung tay cùng toàn xã hội ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt hơn với hàng giả!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.