Sách

Bến Tầm Dương - theo dòng lịch sử kháng chiến của dân tộc

Thùy Tiên 10/05/2025 - 22:08

Lấy bối cảnh trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, “Bến Tầm Dương” và “Hoa ngọc lan” kể về thân phận người nông dân khốn đốn trước sự cai trị, bóc lột của bè lũ tay sai thực dân, phong kiến.

"Hưng Đạo Đại vương mừng lắm, ánh mắt rưng rưng cảm động nói với hai vị tướng quân: "Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chỉ là chim thường thôi. Các ngươi chính là những trụ cánh đó. Quân dân ta sẽ đánh tan lũ giặc bảo vệ bờ cõi Đại Việt". Ngài lệnh nhổ sào, thuyền vội vã rời bãi Tân. Khi thuyền vừa cách xa bờ một quãng thì kỵ binh Nguyên tràn tới đông kín. Từng loạt mưa tên đuổi theo, tiếng binh khí rút ra khỏi bao, tiếng hô hoán đuổi bắt loạn xạ". (Trích truyện ngắn “Cánh chim hồng hộc” trong tập truyện ngắn “Bến Tầm Dương”, Hoàng Kiến Bình, NXB Hội Nhà văn, 2024).

Tập truyện ngắn “Bến Tầm Dương” đã cho thấy thế mạnh của tác giả Hoàng Kiến Bình là những câu chuyện lịch sử (truyện ngắn “Cánh chim hồng hộc”, “Bến Tầm Dương”, “Gò công chúa”...), những nhân vật luôn được anh khéo léo lồng ghép với tình tiết gay cấn, kết truyện gây bất ngờ cho độc giả như trong truyện ngắn “Gò công chúa”, “Ngọc lan trắng”...

Từ mối tình bi thương giữa nàng Vân và tướng quân Yết Kiêu, truyện ngắn “Cánh chim hồng hộc” đã lột tả được hình ảnh vị tướng quân Yết Kiêu tài ba xuất chúng, dũng cảm đối đầu, quyết tâm cùng quân dân nhà Trần chiến thắng giặc Nguyên. “Gò công chúa” lại là góc nhìn nhân văn với thân phận nhỏ bé của người phụ nữ trước chiến tranh chống quân xâm lược Nguyên Mông. Bị giặc bắt trên đường, cô gái tên Kim Liên cùng với tám nàng hầu đã phải cùng thủy táng với Ngọc Hoa công chúa, một cái chết vô danh sau bảy trăm năm mới được người thanh niên tên Hoàng hóa giải. Với một chút kỳ ảo, truyện ngắn “Gò công chúa” giúp câu chuyện lịch sử thêm phần thú vị, hấp dẫn độc giả.

Lấy bối cảnh trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, “Bến Tầm Dương” và “Hoa ngọc lan” kể về thân phận người nông dân khốn đốn trước sự cai trị, bóc lột của bè lũ tay sai thực dân, phong kiến. Trong muôn vàn cảnh đời bi đát, hèn mọn của người dân mất nước vẫn ánh lên sự lạc quan về tương lai tươi sáng hơn, đặc biệt là sự đấu tranh anh dũng của Việt Minh, của thế hệ trẻ luôn mong muốn tìm kiếm nền độc lập, hòa bình cho đất nước. Đó là những thanh niên như Thi, sư thầy chùa Tiên, bà đồ Cử, cụ vãi Độ trong “Bến Tầm Dương”. Hay là những người như Minh, ni cô Trúc Mai tạm bỏ áo nâu sồng để đi theo lời kêu gọi của cách mạng trong “Ngọc lan trắng”.

Ngoài ra, tác giả Hoàng Kiến Bình cũng khéo léo khai thác hơi thở của nhịp sống hiện đại, đưa những câu chuyện về quê hương của anh, về vùng đất Quảng Ninh nơi anh đang sinh sống và làm việc vào những truyện ngắn như “Một gia đình thợ mỏ”, “Người miền Đông Bắc”, “Gió đồng đêm năm ấy”, “Mệnh phụ phu nhân”... Điều này giúp độc giả có thể mường tượng ra bối cảnh xã hội hiện nay để thấy rằng tuy còn tồn tại một vài khó khăn nhưng thế hệ trẻ Việt Nam tiếp bước cha anh cố gắng dùng trí lực, tài lực của mình để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giữ gìn nền hòa bình đáng quý của dân tộc.

Có thể nói, 16 truyện ngắn trong cuốn “Bến Tầm Dương” của tác giả Hoàng Kiến Bình đã cho thấy sự trưởng thành, đĩnh đạc về sự viết của một người đàn ông đã có nhiều trải nghiệm. Lối viết của anh tự nhiên, không khiên cưỡng, giúp người đọc được khơi gợi cảm xúc và mong muốn tìm hiểu những sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tầm Dương - theo dòng lịch sử kháng chiến của dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.