(HNMO) - Sáng 25-9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, trong khuôn khổ ngày làm việc thứ hai đã diễn ra phiên toàn thể Đại hội đại biểu Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018-2023.
Đại hội vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam Phạm Thế Duyệt; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể…
Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động
Trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được tập trung đầu tư, tạo sự khác biệt giữa người lao động là đoàn viên với người lao động chưa là đoàn viên công đoàn, tạo sự lan tỏa rộng và sức thu hút của tổ chức công đoàn.
Các hoạt động Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, năm Vì lợi ích đoàn viên công đoàn, Tháng Công nhân, “Tết sum vầy”, "Mái ấm Công đoàn”... được nâng tầm hiệu quả, góp phần thiết thực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động.
Việc tham mưu, đề xuất với Đảng và Chính phủ về Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và địa phương có nhiều bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, giải trí của công nhân; tham gia giải quyết các nhu cầu thiết yếu về đời sống của người lao động là những việc làm thực sự thiết thực, hiệu quả, chăm lo thực chất cho đoàn viên, người lao động.
Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động với 521 văn bản góp ý kiến, đề xuất; thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện người lao động trong Hội đồng tiền lương quốc gia, góp phần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55% trong 5 năm qua.
Công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đối thoại định kỳ và đột xuất. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ 3 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động, góp phần giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc.
Công tác tư vấn pháp luật, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động được các cấp công đoàn quan tâm thường xuyên, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tham gia giải quyết hiệu quả các tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.
Phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng có chuyển biến tích cực, cổ vũ đoàn viên, người lao động đăng ký hoàn thành gần 77.800 đề tài nghiên cứu khoa học với giá trị làm lợi là gần 337.000 tỷ đồng; phát huy 1.171.000 sáng kiến với giá trị làm lợi 204.000 tỷ đồng… góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tính đến ngày 30-11-2017, cả nước có 10,05 triệu đoàn viên, tăng 2,1 triệu so với đầu nhiệm kỳ. Việc tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền đạt một số kết quả; giới thiệu 387.400 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, trong đó đã có 276.200 đồng chí được kết nạp Đảng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại hội nghiêm túc kiểm điểm những hạn chế, yếu kém. Đó là chất lượng hoạt động công đoàn chưa đồng đều; hiệu quả hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động chưa cao.
Phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh còn một số hạn chế; mô hình tổ chức, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn còn tình trạng chồng chéo, dồn áp lực về cơ sở. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, người lao động chưa theo kịp tình hình...
Đại hội XII Công đoàn Việt Nam xác định mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ XII (2018-2023) là: Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp công đoàn tập trung thực hiện 3 khâu đột phá: Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ.
Cùng với đó là 9 nhóm chỉ tiêu, 9 nhiệm vụ tổng quát và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện trong nhiệm kỳ tới....
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội. (Ảnh: TTXVN) |
Phát triển mạnh mẽ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng hoa, nhiệt liệt chào mừng và gửi tới các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động cả nước lời chúc tốt đẹp nhất. Đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động của các cấp công đoàn trong cả nước, Tổng Bí thư khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt giai cấp công nhân và người lao động. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Việt Nam tiếp tục kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, việc xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội, trong đó tổ chức công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn.
Tổng Bí thư yêu cầu, đại hội tập trung thảo luận để đánh giá đúng tình hình, tổng kết sâu sắc thực tiễn, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, có hiệu quả cao cho Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023; chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho công nhân, viên chức, người lao động; tập trung tuyên truyền, giáo dục, giúp công nhân, viên chức, người lao động nhận thức sâu sắc hơn nữa về giai cấp, về Đảng, về tổ chức công đoàn, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; giáo dục, phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức chính trị của công nhân.
Công đoàn phải coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng vào thực tiễn công tác; nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp tổ chức cho cán bộ, đoàn viên học tập, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị; đặc biệt, phải kiên trì, sáng tạo và thực chất trong việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đề cao trách nhiệm nêu gương, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến; tăng cường nắm bắt tình hình, diễn biến từ cơ sở, tổ chức hiệu quả hơn các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; chú trọng giáo dục giữ vững bản lĩnh, có ý thức nhạy bén chính trị, tăng sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh chung với các đại biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Tổng Bí thư cũng đề nghị, các cấp công đoàn cần tập trung các nguồn lực, đổi mới hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo hướng phát triển các chương trình xuyên suốt toàn hệ thống gắn với các chính sách an sinh phúc lợi xã hội của công đoàn; chú trọng bảo vệ các chế độ, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khoẻ và môi trường lao động cho công nhân; chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân.
Tổng Bí thư tin tưởng và kỳ vọng, sau đại hội này, phong trào công nhân, viên chức, lao động và công đoàn Việt Nam sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Tổ chức Công đoàn Việt Nam mãi mãi xứng đáng là nền tảng chính trị, nền tảng xã hội của Đảng và Nhà nước; đội ngũ công nhân, viên chức, lao động không ngừng lớn mạnh, là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.