(HNM) - Từ ngày 11-10-2020, các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên cả nước sẽ điều chỉnh quy định đánh giá, xếp loại học sinh. Điểm mới đáng chú ý là tất cả các môn học đều được đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số, thay vì bằng điểm số như hiện hành. Số bài kiểm tra định kỳ giảm, hình thức kiểm tra đa dạng hơn. Sự điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể áp lực về điểm số, khích lệ học sinh tiến bộ, tăng năng lực ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế.
Đánh giá không chỉ bằng điểm số
Thông tin đáng chú ý trong những ngày qua, đó là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12-12-2011, trong đó có những điều chỉnh khá mạnh mẽ.
Một trong những điểm mới của thông tư là tổng số đầu điểm kiểm tra, đánh giá với học sinh giảm. Trong mỗi học kỳ, ở mỗi môn học, học sinh chỉ có một bài kiểm tra giữa học kỳ và một bài kiểm tra cuối học kỳ, không còn phải làm bài kiểm tra 1 tiết. Hiện nay, với môn có số lượng tiết nhiều nhất là toán, ngữ văn thì học sinh có 3 bài kiểm tra 1 tiết/học kỳ. Hình thức kiểm tra, đánh giá cũng đa dạng hơn. Nếu như trước đây, học sinh được kiểm tra qua việc hỏi - đáp, viết, thì với quy định mới, việc kiểm tra, đánh giá có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến với các hình thức như hỏi - đáp, viết, thực hành, dự án học tập... Điểm khác biệt nữa là bên cạnh hình thức viết trên giấy, bài kiểm tra giữa học kỳ, cuối học kỳ có thể được thực hiện trên máy tính.
Đề cập đến Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Trần Đăng Nghĩa thông tin, tất cả các môn học ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông đều áp dụng đánh giá kết hợp giữa nhận xét với điểm số. Quá trình nhận xét tập trung ghi nhận sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập của học sinh. Thông tư còn quy định hình thức khen thưởng với học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện. Đây là điểm tích cực, làm thay đổi cách nhìn nhận về kiểm tra, đánh giá theo hướng động viên, khích lệ sự cố gắng của từng học sinh.
Theo ông Trần Trung Thành, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa), sự điều chỉnh này sẽ giảm áp lực về điểm số với học sinh và các bậc phụ huynh. Mong rằng các phụ huynh không đòi hỏi con phải đạt điểm tốt, điểm giỏi, mà thông qua những nhận xét của thầy, cô để ghi nhận sự tiến bộ của con mình, từ đó hỗ trợ, động viên con cố gắng.
Tác động tích cực với cả thầy và trò
Hiện nay, các nhà trường trên địa bàn Hà Nội đang tập trung tổ chức triển khai cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, vì quyền lợi của học sinh.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết, các nhà trường trên địa bàn đang tổ chức nghiên cứu thông tư, trong đó tập trung yêu cầu đội ngũ giáo viên hiểu rõ mục đích của việc đánh giá, từ đó có định hướng đúng trong quá trình thực hiện, tránh cho điểm hình thức, nhận xét chung chung. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận cũng yêu cầu các nhà trường coi trọng việc động viên, khuyến khích học sinh tiến bộ.
Theo thầy giáo Trần Xuân Hiệp, Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh (huyện Mê Linh), việc bổ sung các hình thức đánh giá như qua dự án học tập, bài tập thực hành… đòi hỏi giáo viên xây dựng các tiêu chí đánh giá phù hợp. Giáo viên cần chủ động, tích cực hơn trong quá trình giảng dạy để hướng dẫn học sinh tự học, tăng cường ứng dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống…
Với góc độ là học sinh, em Lê Mai Anh, Trường Trung học cơ sở Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) bày tỏ: "Em mong muốn các thầy, cô giáo công bố công khai tiêu chí đánh giá trước khi tổ chức kiểm tra bài thực hành, dự án học tập… để chúng em sớm có định hướng học tập".
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Lê Trung Kiên cho rằng, việc đa dạng hình thức kiểm tra, áp dụng đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số có thể khiến giáo viên vất vả hơn, phải quan tâm sát sao hơn để bảo đảm kết quả đánh giá công bằng, thực chất, song cũng sẽ quyết tâm khắc phục với mục tiêu vì sự tiến bộ của học sinh. Sự điều chỉnh này cũng đặt ra yêu cầu giáo viên chủ động, vận dụng sáng tạo các hình thức đánh giá để giúp học sinh hình thành năng lực, chứ không chỉ đòi hỏi kiến thức lý thuyết.
Trước băn khoăn của một số địa phương về những khó khăn khi tổ chức bài kiểm tra trên máy tính, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Sái Công Hồng nhấn mạnh, quá trình triển khai các hình thức kiểm tra, đánh giá cần linh hoạt, không cứng nhắc. Việc tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra trên máy tính chỉ áp dụng ở nơi có đủ điều kiện. "Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên các địa phương đẩy mạnh việc đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá; xây dựng và sử dụng ma trận đề bài kiểm tra giữa học kỳ, cuối học kỳ bảo đảm mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của từng môn học và áp dụng thống nhất trên cả nước", ông Sái Công Hồng thông tin thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.