(HNM) - Nghị quyết 25-NQ/TƯ về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" đã chỉ rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy công tác dân vận từ cơ sở. Kinh nghiệm trong giải quyết nhiều vụ việc diễn ra trên địa bàn Hà Nội cho thấy, công tác dân vận ở cơ sở đòi hỏi sự kiên trì, bài bản của các cấp ủy, chính quyền mới thành công.
Những cán bộ dân vận, tuyên giáo quận Ba Đình vẫn nhớ vụ việc ngăn không để an táng một nhà sư trong khuôn viên một chùa trên địa bàn quận. Quá trình vận động kéo dài cả tuần liền, diễn ra cực kỳ khó khăn. "Nó giống như một quá trình đàm phán ngoại giao, mỗi hôm nhích một tí. Nhưng chúng tôi nhất quyết không chùn bước. Chỉ cần tỏ vẻ rút lui một chút là có thể không hoàn thành nhiệm vụ" - Một cán bộ từng tham gia vận động kể lại. Trong vụ việc trên, Quận ủy Ba Đình đã phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ngay cả việc vận động những người liên quan đồng ý gặp mặt và nói chuyện cũng đã rất khó khăn. Cuối cùng, sau khi huy động tổng hợp các lực lượng từ tổ chức đảng, đoàn thể, công an, ngành chức năng cùng vào cuộc với nhiều cách tiếp cận khác nhau, vụ việc đã được giải quyết thành công.
Sự kiên trì, bài bản trong quá trình vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách xây dựng nông thôn mới cũng là kinh nghiệm quý được tích lũy trong năm 2013. Trong năm, thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, có cấp ủy phải chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc họp để vận động nhân dân thống nhất nhận thức, ủng hộ chủ trương này và cùng bàn cách tháo gỡ khó khăn. Chẳng hạn, tại Liên Mạc, xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh, đã tổ chức 27 cuộc họp; xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn) tổ chức 31 cuộc họp. Việc thuyết phục người dân đòi hỏi những người tham gia làm dân vận ở cơ sở phải bám sát địa bàn, tận dụng từng cơ hội nhỏ để "xoay chuyển tình thế". Sau khi thực hiện nhiều giải pháp thuyết phục người dân chấp thuận dồn điền đổi thửa, nhiều xã tại Sóc Sơn, Mê Linh, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mỹ Đức có sự chuyển biến vượt bậc về công tác này.
Cùng với những ví dụ trên, mấy năm qua có nhiều vụ việc cho thấy các cấp ủy, chính quyền đã rất kiên trì, bài bản trong quá trình vận động nhân dân, đạt được thành công như: Vụ việc phức tạp tại giáo xứ Hà Hồi (xã Hà Hồi, huyện Thường Tín), chùa Chân Long (huyện Thạch Thất), chùa Diệu Nam (quận Hai Bà Trưng); hay vụ việc lợi dụng mê tín dị đoan để chữa bệnh tại xã Hồng Quang (huyện Ứng Hòa)...
Tuy nhiên, cũng có không ít vụ việc đáng tiếc xảy ra cho thấy quá trình vận động nhân dân, cấp ủy cơ sở đã không kiên trì, thực hiện không đúng quy trình, thậm chí là làm vội, làm ẩu trong khi cấp ủy cấp trên lại lúng túng hoặc không sâu sát cơ sở nên việc nhỏ trở thành lớn, khó giải quyết. Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trần Quang Cảnh cho biết: "Một số vụ việc lẽ ra không trở nên phức tạp nếu cấp ủy, chính quyền địa phương kiên trì, trách nhiệm trong vận động người dân". Trong tổng kết công tác dân vận năm 2013, Ban Dân vận Thành ủy cũng khẳng định, công tác nắm tình hình, giải quyết những vấn đề phức tạp liên quan đến tôn giáo tại một số nơi trên địa bàn thành phố còn thiếu chủ động, thậm chí lúng túng. Mặt khác, do thiếu kiên trì, kém bài bản, cấp ủy phường, xã, thị trấn thường không làm tốt công tác vận động quần chúng ở thời điểm ban đầu khi các vụ việc mới phát sinh. Hầu hết những vụ việc phức tạp đã được giải quyết đều phải có sự vào cuộc của cấp ủy cấp quận, huyện trở lên.
Với việc thành lập trên 5.000 tổ dân vận ở khu dân cư, tổ dân phố, Hà Nội có ưu điểm về lực lượng làm công tác dân vận ở cơ sở. Tuy nhiên, để biến ưu thế này thành sức mạnh, bảo đảm tăng cường hiệu quả vận động nhân dân từ cơ sở, cần phải có sự đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, trình độ cho đội ngũ này và hơn hết là sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy các cấp nhằm huy động mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cùng tham gia làm dân vận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.