(HNM) - Sau 3 ngày làm việc (từ ngày 4 đến 6-12), kỳ họp thứ bảy, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra.
Đây là kỳ họp được cử tri quan tâm vì có nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu, đồng thời thực hiện chất vấn về công tác giải quyết các kiến nghị của cử tri. Đáng chú ý, HĐND thành phố tiếp tục có những đổi mới nhằm nâng cao chất lượng kỳ họp, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao.
Kỳ họp thứ bảy, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thảo luận, thông qua nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt với sự phát triển của Thủ đô. Ảnh: Mạnh Hùng |
Kỳ họp thành công
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, do làm tốt công tác chuẩn bị và phối hợp với các cơ quan hữu quan… kỳ họp thứ bảy, HĐND thành phố đã thành công tốt đẹp. Kết quả nổi bật là HĐND thành phố đã thông qua 20 nghị quyết chuyên đề và thường kỳ với tỷ lệ thống nhất cao. Những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến quyền, lợi ích của người dân được HĐND thành phố lắng nghe, tham khảo ý kiến của các nhà khoa học và ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố trước khi quyết định. Ví dụ như Nghị quyết về Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tổ chức hội thảo nhiều lần và họp thẩm tra kỹ; Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức phản biện xã hội. Đặc biệt, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, HĐND thành phố đã dành nhiều thời gian thảo luận kỹ, nhấn mạnh giải pháp khắc phục tồn tại của năm 2018. Qua đó, đề nghị UBND thành phố tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng quyết liệt, rõ trách nhiệm; nâng cao chất lượng, hiệu quả kỷ cương hành chính, để đạt kết quả cao nhất trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp cũng được HĐND thành phố quan tâm. Hai ngày diễn ra phiên khai mạc, phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp, thu hút đông đảo cử tri theo dõi, giám sát. Điểm mới của nội dung chất vấn tại kỳ họp này là lựa chọn hai vấn đề đã được HĐND thành phố giám sát, giải trình gắn với việc chất vấn để làm rõ vướng mắc, tồn tại, giải pháp khắc phục. Qua đây cũng thể hiện việc HĐND giám sát đến cùng vấn đề nhân dân quan tâm. Hai nội dung chất vấn đó là: Tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai; kết quả giải quyết các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn thành phố.
Cử tri các quận, huyện: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Trì, Phú Xuyên… đều ghi nhận, các đại biểu HĐND thành phố rất sâu sát, chất vấn những vụ việc tồn tại, phức tạp chậm được giải quyết. “Dù chưa nhận được phần trả lời cụ thể, thấu đáo từ lãnh đạo UBND các quận, huyện, song cử tri cũng ghi nhận, kỳ họp tiếp tục đổi mới, tăng cường giám sát trực tiếp”, cử tri Đỗ Văn Hữu, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì nêu quan điểm.
Lan tỏa phương pháp, cách làm
Tại kỳ họp, 36 chức danh lãnh đạo do HĐND thành phố bầu đã được đại biểu HĐND thành phố công tâm, khách quan đánh giá mức tín nhiệm. Nhiều cử tri Thủ đô ghi nhận, kết quả lấy phiếu tín nhiệm khách quan; một số chức danh có nhiều phiếu tín nhiệm thấp phản ánh đúng thực trạng của ngành, lĩnh vực đó thiếu sự đột phá, như lĩnh vực quản lý nông nghiệp, đất đai
và môi trường, xây dựng, giáo dục...
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho biết, đại biểu đã rất kỹ càng, khắt khe trên từng phiếu tín nhiệm với mong muốn, người đứng đầu các ngành, lĩnh vực quyết tâm thay đổi, có phương pháp, giải pháp hiệu quả để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong cả nhiệm kỳ 2016-2021.
Cử tri các quận: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đống Đa nhận xét, lấy phiếu tín nhiệm là việc làm cần thiết, một kênh thông tin quan trọng để nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố. Những người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp, cần coi đây là cơ hội để tự kiểm điểm, đánh giá lại kết quả công tác của mình, từ đó phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm chính là sự khẳng định và ghi nhận những nỗ lực của từng đồng chí trên cương vị công tác của mình qua nửa nhiệm kỳ; cũng là dịp để các đồng chí được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình, từ đó xây dựng kế hoạch tiếp tục rèn luyện phẩm chất, khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót, không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả công việc trên cương vị được giao”.
Với tinh thần đổi mới, lan tỏa cách làm, ở nội dung lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực HĐND thành phố đã mời Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã dự họp, nắm bắt quy trình, phương pháp điều hành… để trên cơ sở quy định của luật, thực tiễn của HĐND thành phố, chuẩn bị cho kỳ họp cuối năm của HĐND các địa phương, trong đó có nội dung lấy phiếu tín nhiệm các chức danh đã bầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.