(HNM) - Trong bối cảnh, tình hình bệnh tật ngày càng diễn biến phức tạp, tai nạn thương tích, nhất là tai nạn giao thông gia tăng…, thì hệ thống cấp cứu trước viện càng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao khả năng cứu chữa người bệnh. Thế nhưng, hiện hệ thống này ở nhiều địa phương lại đang hoạt động khá èo uột, thậm chí còn không ít vùng “trắng” trạm cấp cứu.
Trong y học, 3-6 giờ đầu từ khi bệnh nhân bị đột quỵ được coi là "thời gian vàng", nếu được cấp cứu kịp thời thì khả năng hồi phục của người bệnh rất cao. Hay khi gặp tai nạn, việc sơ cứu đúng cách (đơn giản như cố định vị trí xương gãy...) giúp việc xử trí tiếp theo ở các bệnh viện hiệu quả hơn, thời gian điều trị của bệnh nhân nhanh hơn. Tuy nhiên, cấp cứu trước viện, tận dụng tốt khoảng “thời gian vàng” đòi hỏi rất nhiều điều kiện, từ con người đến trang thiết bị y tế. Với thực tế còn 27 địa phương chưa có trung tâm, tổ cấp cứu 115, thì người bệnh sẽ còn đối mặt nguy cơ không được cấp cứu kịp thời, hệ lụy khó lường cho sức khỏe là điều khó tránh khỏi.
Chưa kể, với những nơi đã có hệ thống cấp cứu trước viện, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển cũng thiếu thốn, chưa đạt về tiêu chuẩn... Bên cạnh đó, khâu cấp cứu trước viện còn chịu tác động của các yếu tố khách quan, như ở khu vực đô thị, mật độ giao thông cao, gây khó khăn cho việc vận chuyển người bệnh. Ở khu vực nông thôn, khó tiếp cận dịch vụ do ở xa trung tâm cấp cứu, dẫn đến khó bảo đảm “thời gian vàng” trong cứu chữa bệnh nhân.
Trước những yêu cầu trong tình hình mới, việc phát triển đồng bộ, hoàn thiện mạng lưới cấp cứu trước viện là đòi hỏi khách quan, là trách nhiệm không của riêng ngành Y tế. Do đó, với các địa phương chưa có hoạt động cấp cứu trước viện cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để sớm hình thành mô hình này. Mạng lưới trạm cấp cứu trước viện cần được bố trí phù hợp về địa bàn, mật độ dân cư… Cùng với sự đầu tư từ ngân sách, cần đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình cung ứng dịch vụ cấp cứu trước viện. Ngành Y tế và các cơ quan chức năng cũng cần định hướng, có quy định phù hợp để quản lý hiệu quả hoạt động của các đơn vị cung ứng dịch vụ tư nhân.
Đối với các đơn vị đang hoạt động, cần tăng cường đầu tư xe cứu thương, trang thiết bị y tế, thuốc men… đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, hệ thống kết nối thông tin giữa trung tâm cấp cứu và bệnh viện, quy trình chuyên môn, gói dịch vụ kỹ thuật cấp cứu và chất lượng cấp cứu ban đầu cần được rà soát, bổ sung những quy định, tiêu chuẩn cụ thể, bảo đảm thực thi hiệu quả.
Về nguồn nhân lực - vấn đề có tính quyết định đến chất lượng hoạt động cấp cứu trước viện, cần có cơ chế, chính sách thích hợp để thu hút được người có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Về lâu dài, các ngành chức năng cần xem xét mở chuyên ngành đào tạo cấp cứu trước viện và cấp chứng chỉ hành nghề. Làm được như vậy sẽ vừa đáp ứng đủ về nhân lực, vừa bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hóa hoạt động cấp cứu trước viện.
Để xây dựng được các cơ chế, chính sách dài hơi, ngành Y tế cần nghiên cứu đầy đủ về thực trạng cấp cứu trước viện trong nước, đánh giá tổng thể kinh nghiệm của các nước phát triển để đề xuất giải pháp mang tính hệ thống cho lĩnh vực này. Qua đó góp phần giúp ngành Y tế tiếp tục hoàn thiện hệ thống khám, chữa bệnh; người bệnh được tiếp cận với dịch vụ, được cấp cứu kịp thời và điều trị y tế tốt nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.