(HNM) - Thời điểm này, khoảng 98% số người lao động đã trở lại làm việc tại các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX) ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đầu năm, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp vẫn rất lớn...
Công nhân một công ty may mặc ở TP Hồ Chí Minh trở lại làm việc sau Tết. |
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Công Khanh, Chánh Văn phòng các KCN - KCX TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, tỷ lệ người lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 ước đạt 98% và 100% doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Các KCN - KCX có gần 300.000 lao động, trong đó trên 70% là người ngoài tỉnh nên tỷ lệ công nhân trở lại làm việc đông như trên sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh.
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, sau Tết, mức độ dịch chuyển lao động khoảng 15%. Con số này cho thấy sự gắn kết cung - cầu thị trường lao động có được nhờ chính sách chăm lo cho lao động của các doanh nghiệp đã tốt hơn.
Dù vậy, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp vẫn rất lớn. Hiện nay, tại các KCN-KCX ở TP Hồ Chí Minh như KCN Tân Tạo, Lê Minh Xuân, Tân Bình... vẫn treo kín bảng tuyển dụng lao động với nhiều chính sách hấp dẫn. Đơn cử, tại Công ty TNHH Dệt may Phương Đông (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) rao tuyển 200 công nhân với mức lương thử việc 4,5 triệu đồng/tháng và tăng lên 4-8,5 triệu đồng khi ký hợp đồng chính thức. Hấp dẫn hơn, Công ty May Phương Nam (đường Phan Huy Ích, phường 14, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), đưa ra thông báo tuyển dụng gần 200 công nhân với mức lương 8-10 triệu đồng/tháng, lại còn được thưởng Tết bình quân trên 10 triệu đồng, được đi tham quan, đóng BHXH, BHYT, BHTN và bảo hiểm rủi ro.
Nhiều doanh nghiệp do quá "khát" lao động nên đưa ra điều kiện tuyển dụng rất thoáng như... chỉ cần đủ sức khỏe là được nhận ngay. Tuy nhiên, các công ty đang có lao động cũng quyết giữ nhân lực bằng nhiều chính sách hấp dẫn. Anh Lê Thanh Hải (28 tuổi, quê Quảng Ngãi), công nhân may Công ty May An Nhơn (tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho biết, ngay sau Tết, công ty của anh đã công bố có phụ cấp cho công nhân tiền nhà trọ, nuôi con nhỏ, chuyên cần, trách nhiệm… nên anh ở lại làm việc.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, năm nay các doanh nghiệp thành phố cần thêm khoảng 20.000 lao động ổn định và trên 10.000 lao động thời vụ. Trong đó tổng nhu cầu việc làm về trình độ lao động phổ thông chiếm 37%; công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 20%; người có trình độ trung cấp 18%; cao đẳng - đại học - trên đại học 27%. Nhu cầu nhân lực chủ yếu tập trung trong các ngành nghề may mặc, da giày, marketing, du lịch, nhà hàng, khách sạn, thực phẩm, xây dựng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.